Sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi đã bao gồm các công nghệ và kỹ thuật bảo vệ quyền riêng tư nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lượng dữ liệu cá nhân của bạn mà chính chúng tôi, hay mọi chủ thể khác, có thể truy cập. Các tính năng bảo mật mạnh mẽ ngăn không cho bất kỳ ai, ngoại trừ bạn, truy cập thông tin của chính bạn. Chúng tôi liên tục phát triển những phương thức mới mẻ nhằm đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân của bạn.
Các tính năng bảo vệ quyền riêng tư đột phá của Apple Intelligence giúp bạn yên tâm rằng không một ai khác có thể truy cập dữ liệu của bạn, kể cả Apple.
Với Apple Intelligence, nhiều yêu cầu được xử lý trên iPhone, iPad hoặc Mac của bạn. Với các yêu cầu phức tạp, Điện Toán Đám Mây Riêng sẽ mở rộng quyền riêng tư và bảo mật của các thiết bị Apple của bạn lên nền tảng đám mây để khai mở nhiều tiềm năng thông minh hơn. Dữ liệu của bạn không bao giờ được lưu trữ và chỉ được sử dụng để phản hồi cho các yêu cầu của bạn. Và các chuyên gia độc lập có thể kiểm tra phần mềm chạy trên các máy chủ này để xác minh cam kết về quyền riêng tư.
Xử lý trên thiết bị
Nền tảng quan trọng của Apple Intelligence là khả năng xử lý trên thiết bị. Chúng tôi đã tích hợp sâu tính năng này vào iPhone, iPad, Mac và xuyên suốt trên các ứng dụng của bạn. Nhờ vậy, Apple Intelligence có khả năng nhận biết dữ liệu cá nhân của bạn mà không cần thu thập các dữ liệu đó. Điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ khả năng tích hợp độc đáo giữa phần cứng và phần mềm của Apple, cùng nhiều năm đầu tư xây dựng con chip silicon tiên tiến dành cho trí thông minh trên thiết bị.
Điện Toán Đám Mây Riêng
Khi bạn đưa ra một yêu cầu, Apple Intelligence sẽ phân tích xem liệu yêu cầu đó có thể được xử lý trên thiết bị hay không. Nếu yêu cầu cần có khả năng tính toán mạnh hơn, thiết bị có thể sử dụng Điện Toán Đám Mây Riêng và chỉ gửi những dữ liệu liên quan đến tác vụ của bạn để xử lý trên các máy chủ sử dụng chip Apple silicon. Apple không thể truy cập dữ liệu của bạn. Và các dữ liệu này chỉ được sử dụng để phản hồi cho những yêu cầu của bạn. Và các chuyên gia độc lập có thể kiểm tra mã chạy trên máy chủ để xác minh cam kết về quyền riêng tư của chúng tôi. Điện Toán Đám Mây Riêng sử dụng kỹ thuật mã hóa để đảm bảo rằng iPhone, iPad và máy Mac của bạn sẽ từ chối giao tiếp với máy chủ, trừ khi phần mềm của máy chủ đó đã được đánh dấu công khai để kiểm định.
Cách chúng tôi tiếp cận việc phát triển AI đầy trách nhiệm.
Apple Intelligence được thiết kế với các giá trị cốt lõi của chúng tôi trong toàn bộ quá trình và được xây dựng trên nền tảng của những đổi mới mang tính đột phá về quyền riêng tư. Chúng tôi không sử dụng dữ liệu cá nhân riêng tư hay sự tương tác của người dùng khi đào tạo các mô hình nền tảng của chúng tôi.
Safari sở hữu các tính năng vô cùng hiện đại nhằm bảo vệ quyền riêng tư của bạn, ngăn chặn hoạt động theo dõi web chéo và giảm thiểu lượng dữ liệu chuyển giao cho bên thứ ba. Và tính năng Duyệt Riêng Tư sẽ bổ sung thêm nhiều biện pháp bảo vệ hơn nữa, chẳng hạn như khóa cửa sổ khi bạn không sử dụng chúng.
Có lẽ bạn đã từng nhận thấy điều này: bạn xem thông tin một món hàng cần mua trên mạng, sau đó khi lướt web bạn bỗng dưng thấy quảng cáo đó xuất hiện khắp nơi. Chuyện này xảy ra khi có bên thứ ba đang theo dõi cookie và các dữ liệu khác trên trang web nhằm mục đích hiển thị quảng cáo trên các trang web khác nhau.
Tính năng Ngăn Chặn Theo Dõi Thông Minh sử dụng công nghệ máy học mới nhất và trí thông minh trên thiết bị nhằm chống lại hoạt động theo dõi web chéo. Tính năng này ẩn địa chỉ IP khiến các trình theo dõi không thể dò ra bạn, vì vậy mọi thông tin bạn xem trên web là chuyện riêng của bạn – nhà quảng cáo không được biết. Bạn không cần phải thay đổi bất kỳ cài đặt nào cho các biện pháp bảo vệ này vì tính năng Ngăn Chặn Theo Dõi Thông Minh luôn bật ở chế độ mặc định.
Duyệt Riêng Tư
Safari tự động bảo vệ quyền riêng tư của bạn. Tính năng Duyệt Riêng Tư bổ sung thêm nhiều biện pháp bảo vệ hơn nữa. Khi bạn bật tính năng này, Safari sẽ không lưu các trang web bạn đã truy cập, các từ khóa bạn tìm kiếm hay bất kỳ thông tin nào từ các biểu mẫu bạn điền trực tuyến, đồng thời tính năng phòng chống lấy dấu vân tay và theo dõi nâng cao còn tiến xa hơn nữa để giúp ngăn các trang web theo dõi hoặc nhận dạng thiết bị của bạn. Những trình theo dõi đã nhận diện sẽ hoàn toàn bị ngăn chặn tải trên các trang và tính năng bảo vệ khỏi theo dõi qua liên kết sẽ loại bỏ các thành phần theo dõi được thêm vào URL khi bạn duyệt web.
Tính năng hỗ trợ trình chặn nội dung được thiết kế để không thể gửi thông tin về những gì bạn đang xem cho các nhà phát triển. Và các cửa sổ duyệt riêng tư sẽ tự động khóa – yêu cầu mật khẩu thiết bị để mở khóa – khi bạn không sử dụng chúng.
Mã Khóa
Mã khóa thay thế cho mật khẩu với phương thức đăng nhập dễ dàng và an toàn hơn. Mã khóa riêng tư của bạn không bao giờ lưu lại trên máy chủ web, do đó bạn không cần lo lắng về sự cố rò rỉ của trang web sẽ xâm phạm đến các tài khoản của bạn. Và các mã khóa sẽ luôn ở trong thiết bị của bạn cũng như chỉ dành cho các trang web cụ thể mà bạn đã tạo mã trên đó, vậy nên việc đánh cắp là gần như không thể. Các mã khóa được mã hóa đầu cuối và đồng bộ trên tất cả các thiết bị Apple thông qua Chuỗi Khóa iCloud. Trên các thiết bị Apple, chỉ cần dùng Face ID hoặc Touch ID để đăng nhập. Đối với các trang web hoặc ứng dụng trên các thiết bị không phải của Apple, sử dụng mã khóa đã lưu bằng cách quét mã QR bằng iPhone hoặc iPad và xác thực bằng Face ID hoặc Touch ID.
Báo Cáo Quyền Riêng Tư
Báo Cáo Quyền Riêng Tư hiển thị cho bạn xem tất cả các trình theo dõi web chéo đang bị chặn bởi tính năng Ngăn Chặn Theo Dõi Thông Minh trên Safari. Bạn có thể truy cập báo cáo này từ thanh công cụ và trang bắt đầu của Safari.
Giám Sát Mật Khẩu
Safari kiểm tra giúp bạn xem các mật khẩu Chuỗi Khóa đã lưu có bị xâm phạm trong các sự cố rò rỉ dữ liệu hay không. Trình duyệt này sử dụng các kỹ thuật mã hóa dữ liệu bảo mật và riêng tư, thường xuyên đối chiếu các phiên bản dữ liệu tương tự mật khẩu của bạn với một danh sách các mật khẩu bị xâm phạm đã được công khai. Nếu Safari phát hiện một mật khẩu có nguy cơ bị xâm phạm, thiết bị của bạn sẽ cảnh báo bạn ngay. Thông tin mật khẩu của bạn không bao giờ bị tiết lộ với ai trong quá trình này - ngay cả với Apple.
Chặn Theo Dõi Tiện Ích Mạng Xã Hội
Tiện ích mạng xã hội, vốn được nhúng trên các trang web, chẳng hạn như nút thích, nút chia sẻ và ô bình luận, có thể được dùng để theo dõi bạn dù bạn không click vào và cũng không dùng chúng. Safari mặc định chặn hoạt động theo dõi này, đồng thời ngăn không cho các tiện ích mạng xã hội truy cập thông tin định danh của bạn, trừ trường hợp bạn cho phép chúng.
Ngăn Chặn Hoạt Động Dấu Vân Tay Trình Duyệt
Safari ngăn không cho các nhà quảng cáo và trang web sử dụng các thông tin đặc trưng trên thiết bị của bạn nhằm tạo ra một "hồ sơ vân tay" để theo dõi bạn. Các thông tin đặc trưng này bao gồm cấu hình thiết bị và trình duyệt, phông chữ và các trình cắm mà bạn đã cài đặt. Để chống lại hoạt động dấu vân tay trình duyệt, Safari giới thiệu một phiên bản tinh giản của cấu hình hệ thống, khiến cho nhiều thiết bị trông giống hệt nhau đối với các trình theo dõi, khiến chúng khó nhận diện bạn hơn. Tính năng bảo vệ này được bật một cách mặc định, nên bạn không cần làm thêm thao tác nào nữa.
Tìm Kiếm
Với trường Tìm Kiếm Thông Minh trong Safari, bạn có thể nhập tên website, địa chỉ website và các lệnh tìm kiếm vào cùng một chỗ. Safari hạn chế đến mức thấp nhất lưu lượng dữ liệu gửi đến bộ máy tìm kiếm của bên thứ ba. Ví dụ, trình duyệt này không chia sẻ cookie hay vị trí chính xác của bạn – điều có thể xảy ra nếu bạn tìm kiếm bằng các phương tiện khác. Safari cũng cho phép bạn tùy chọn thiết lập DuckDuckGo làm bộ máy tìm kiếm mặc định, giúp bạn tìm kiếm trên web mà không bị theo dõi.
Kiểm Soát Phần Mở Rộng
Các tiện ích phần mở rộng của trình duyệt có thể hỗ trợ bạn làm nhiều việc hữu ích, chẳng hạn như tiết kiệm tiền mua sắm hay cải thiện ngữ pháp. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được dùng để theo dõi, ghi nhận nội dung bạn đang duyệt trên web và thậm chí nội dung bạn gõ trên thiết bị. Với trình kiểm soát tiện ích mở rộng của Safari, bạn có thể cấp quyền truy cập cho các phần mở rộng để chúng truy cập thông tin của bạn theo tùy chọn chỉ trong một ngày, chỉ trên trang hiện tại, hoặc luôn luôn cho phép.
Tổng Quan Về Quyền Riêng Tư Của Safari
Giống như tất cả các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi, Safari sở hữu các công nghệ tích hợp sẵn được thiết kế để bảo vệ thông tin cá nhân của bạn. Quyền riêng tư của bạn tự động được bảo vệ mà không cần phải thay đổi thiết lập mặc định.
Các tính năng cá nhân hóa được tạo ra bằng cách sử dụng dữ liệu của bạn trên thiết bị. Dữ liệu gửi từ thiết bị của bạn đến dịch vụ Bản Đồ được liên kết với các mã định danh ngẫu nhiên, do đó Apple không sở hữu hồ sơ định danh có chứa các lệnh tìm kiếm hoặc thông tin di chuyển của bạn.
Cá Nhân Hóa
Nhiều tính năng hữu ích, chẳng hạn như tìm vị trí đã đậu xe, được tạo ra từ chính dữ liệu của bạn trên thiết bị. Điều này giúp giảm thiểu lưu lượng dữ liệu gửi đến các máy chủ của Apple.
Mã hóa đầu cuối
Bản Đồ thường xuyên đồng bộ hóa dữ liệu cá nhân của bạn trên tất cả các thiết bị bằng kỹ thuật mã hóa đầu cuối. Các Vị Trí Quan Trọng và bộ sưu tập của bạn được mã hóa đầu cuối nên Apple không đọc được. Và khi bạn chia sẻ ETA của mình với người dùng Bản Đồ khác, Apple không thể thấy vị trí của bạn.
Mã Định Danh Ngẫu Nhiên
Không có yêu cầu đăng nhập khi bạn bắt đầu sử dụng Bản Đồ. Dữ liệu mà Bản Đồ thu thập trong quá trình bạn dùng ứng dụng, chẳng hạn như cụm từ tìm kiếm và định tuyến điều hướng, được liên kết với mã định danh ngẫu nhiên, không phải với Tài khoản Apple của bạn. Các mã định danh này tự động thiết lập lại khi bạn dùng ứng dụng nhằm đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho bạn và cũng để cải thiện Bản Đồ. Khi bạn chia sẻ thông tin đánh giá xếp hạng hay hình ảnh với Bản Đồ, thông tin bạn chia sẻ được liên kết với Tài khoản Apple của bạn.
Làm Mờ Địa Điểm
Bản Đồ cố gắng hết sức che mờ bớt vị trí của bạn trên các máy chủ Apple khi bạn tìm kiếm thông qua một quy trình gọi là "làm mờ". Vị trí của bạn có thể làm lộ danh tính cá nhân, do đó Bản Đồ chuyển đổi vị trí chính xác nơi bạn thực hiện lệnh tìm kiếm thành một vị trí kém chính xác hơn sau 24 giờ. Apple không lưu lại lịch sử tìm kiếm hoặc lịch sử địa điểm bạn đã đến.
Phần Mở Rộng Của Ứng Dụng Bản Đồ
Phần mở rộng của ứng dụng Bản Đồ, vốn được sử dụng trong các ứng dụng đặt xe và đặt chỗ, chạy trong sandbox của riêng chúng và chia sẻ quyền truy cập với các ứng dụng gốc của chúng. Đối với các ứng dụng đặt xe, Bản Đồ chỉ chia sẻ điểm xuất phát và điểm đến của bạn với phần mở rộng. Và khi bạn đặt bàn ở nhà hàng, phần mở rộng chỉ biết địa điểm yêu thích mà bạn đã chạm vào.
Ảnh
Tính năng nhận diện gương mặt, dò bối cảnh và đối tượng được thực hiện hoàn toàn trên thiết bị của bạn, không phải trên đám mây. Vì thế Apple có thể cung cấp cho bạn các tính năng cao cấp như thế mà không cần truy cập hình ảnh của bạn. Các ứng dụng chỉ có thể truy cập với hình ảnh của bạn khi được bạn cho phép.
Khóa Album Ẩn Và Đã Xóa Gần Đây Trong Ảnh
Album Ẩn và Đã Xóa Gần Đây được khóa mặc định. Bạn có thể mở khóa bằng cách sử dụng phương pháp xác thực trên thiết bị, như Face ID, Touch ID, hoặc mật mã của bạn.
Kỷ Niệm Và Gợi Ý Chia Sẻ
Tính năng Kỷ Niệm và Gợi Ý Chia Sẻ trong ứng dụng Ảnh sử dụng trí thông minh trên thiết bị để phân tích hình ảnh của bạn và sắp xếp hình theo gương mặt, địa điểm và nhiều tiêu chí khác, giúp bạn dễ dàng tìm hình ảnh. Vì điều này được thực hiện ngay trên thiết bị, Apple có thể cung cấp cho bạn các tính năng cao cấp như thế mà không cần truy cập hình ảnh của bạn.
Ảnh iCloud
Nếu bạn chọn sao lưu thư viện ảnh vào Ảnh iCloud, Apple sẽ bảo vệ ảnh của bạn trên các máy chủ của chúng tôi bằng cách mã hóa. Dữ liệu ảnh, chẳng hạn như địa điểm hay các album được xếp theo địa điểm, có thể được chia sẻ qua lại giữa các thiết bị của bạn khi bạn bật tính năng Ảnh iCloud. Và nếu bạn chọn tắt Ảnh iCloud, bạn vẫn sẽ có thể sử dụng tính năng phân tích trên thiết bị.
Quản Lý Chia Sẻ
macOS, iOS và iPadOS cho phép bạn quyết định xem có muốn thêm vào thông tin địa điểm, lịch sử chỉnh sửa và dữ liệu chiều sâu khi chia sẻ ảnh hay không – bất kể bạn đang chia sẻ ảnh với bạn bè hay với một ứng dụng.
Cấp quyền truy cập cho ứng dụng của bên thứ ba
Các công cụ chọn ảnh giúp bạn lựa chọn ảnh mình muốn chia sẻ với một ứng dụng mà vẫn đảm bảo sự riêng tư cho những ảnh còn lại trong thư viện. Khi các ứng dụng yêu cầu toàn bộ thư viện ảnh của bạn, bạn có thể xem chúng sẽ truy cập bao nhiêu ảnh và video cũng như ví dụ mẫu về những nội dung nào ứng dụng có thể sử dụng và chia sẻ. Thỉnh thoảng bạn cũng sẽ nhận được lời nhắc để có thể kiểm tra những gì mình đang chia sẻ, đồng thời thay đổi nếu bạn muốn.
Các Ứng Dụng
Nếu một ứng dụng nào đó yêu cầu cấp quyền truy cập hình ảnh, bạn có thể chọn ra các hình ảnh cụ thể bạn muốn chia sẻ, không cần phải cấp quyền truy cập toàn bộ thư viện ảnh của mình. Hay nếu một ứng dụng muốn thêm ảnh vào thư viện của bạn, bạn có thể cho phép nó làm điều này mà không cần phải cho nó truy cập các hình ảnh khác của bạn. Bạn cũng có thể chọn phương thức cấp quyền truy cập chung đối với ảnh của bạn cho ứng dụng.
FaceTime, Tin Nhắn Và Hơn Thế Nữa
Các tin nhắn iMessage và các cuộc trò chuyện FaceTime của bạn được mã hóa đầu cuối, cho nên không ai đọc được chúng trong quá trình bạn gửi chúng qua lại giữa các thiết bị. Mail cho phép bạn sử dụng chế độ ẩn danh.
Cập nhật
Mail
Tính năng Bảo Vệ Quyền Riêng Tư Trong Mail bảo vệ thông tin cá nhân của bạn trước những người gửi email có ý đồ thu thập thông tin trái phép. Tính năng này ẩn địa chỉ IP để những người gửi mail như thế không thể lập hồ sơ định danh thông qua các hoạt động trực tuyến của bạn, không thấy bạn đang ở đâu và cũng không biết bạn đã mở email của họ hay chưa. Và tính năng phân loại trong Mail, với khả năng sắp xếp email dựa trên mức độ liên quan và thứ tự ưu tiên, sẽ được xử lý hoàn toàn trên thiết bị để bảo vệ quyền riêng tư của bạn và giảm thiểu việc thu thập dữ liệu.
Mã hóa đầu cuối
Mã hóa đầu cuối bảo vệ các cuộc hội thoại iMessage và FaceTime trên tất cả thiết bị của bạn. Với watchOS, iOS và iPadOS, tin nhắn của bạn được mã hóa trên thiết bị nên nếu không có mật mã của bạn thì không ai truy cập được. iMessage và FaceTime được thiết kế sao cho chính Apple cũng không có cách nào đọc được khi tin nhắn của bạn đang được gửi đi giữa các thiết bị. Bạn có thể tùy chọn tự động xóa tin nhắn khỏi thiết bị sau 30 ngày hoặc một năm, hoặc giữ trên thiết bị vĩnh viễn.
FaceTime
Apple không lưu trữ các cuộc gọi FaceTime và FaceTime Nhóm của bạn trên máy chủ của chúng tôi. Và trong quá trình chuyển tiếp, các cuộc gọi này được bảo vệ bằng kỹ thuật mã hóa đầu cuối. Giờ đây, ai cũng có thể ngay lập tức tham gia cùng bạn vào các cuộc gọi riêng cũng như cuộc gọi FaceTime Nhóm từ trình duyệt của họ, với cùng mức độ bảo vệ quyền riêng tư như nhau. Không yêu cầu phải có thiết bị Apple, không yêu cầu đăng nhập.
Bắt đầu từ iOS 15, iPadOS 15, macOS Monterey, bạn có thể gửi cho bạn bè và gia đình một liên kết để họ kết nối với bạn trên FaceTime – cho dù họ đang dùng thiết bị Windows hay Android.1 Đây vẫn là cuộc gọi được mã hóa đầu cuối, cho nên tính riêng tư và bảo mật vẫn được đảm bảo, giống như bất kỳ cuộc gọi FaceTime nào khác.
NameDrop
NameDrop là một tính năng trong AirDrop cho phép bạn giữ iPhone của mình gần một iPhone khác để chia sẻ thông tin liên hệ chỉ với những người nhận dự kiến. Bạn cũng có thể chọn thông tin liên hệ cụ thể mình muốn chia sẻ, và cũng quan trọng không kém là thông tin nào bạn không muốn chia sẻ.
Cập nhật
Các ứng dụng iMessage
Các ứng dụng iMessage cho phép bạn chia sẻ nhãn dán, bài hát và nhiều nội dung khác mà không cần thoát khỏi Tin Nhắn. Các ứng dụng này không có quyền truy cập thông tin liên hệ hay nội dung trò chuyện của người tham gia. iOS và iPadOS cung cấp cho mỗi ứng dụng một mã định danh ngẫu nhiên tương ứng với mỗi người tham gia; mã này được thiết lập lại khi ứng dụng bị gỡ cài đặt.
Bảo Vệ Khỏi Theo Dõi Qua Liên Kết
Khi bạn chia sẻ các liên kết trong Tin Nhắn, thông tin bổ sung mà một số trang web thêm vào URL của chúng sẽ bị xóa để ngăn chúng theo dõi bạn hoặc người mà bạn đã chia sẻ liên kết.
Sao Lưu iCloud
Tin nhắn iMessage và SMS được sao lưu trên iCloud rất thuận tiện cho bạn, nhưng bạn có thể tắt Sao Lưu iCloud bất cứ lúc nào bạn muốn. Và Apple không bao giờ lưu trữ nội dung của các cuộc gọi FaceTime trên bất kỳ máy chủ nào.
SharePlay
SharePlay cho phép bạn chia sẻ trải nghiệm từ Apple hoặc ứng dụng của bên thứ ba trong các cuộc gọi FaceTime. Nội dung mà các ứng dụng trao đổi qua SharePlay được mã hóa đầu cuối, giống như các cuộc gọi FaceTime khác.
Ví
Ví giúp bạn lưu giữ an toàn chìa khóa, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, thẻ đi lại, thẻ lên máy bay, các loại vé, và nhiều thứ khác nữa.
Thêm thẻ
Khi bạn thêm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước (nếu có) vào Apple Pay, thông tin bạn nhập trên thiết bị của mình sẽ được mã hóa và gửi đến máy chủ của Apple. Apple giải mã dữ liệu, xác định mạng lưới thanh toán của thẻ sau đó mã hóa lại dữ liệu bằng cách sử dụng khóa mà chỉ mạng thanh toán của bạn (hoặc bất kỳ nhà cung cấp nào được đơn vị phát hành thẻ của bạn ủy quyền thực hiện thiết lập và cung cấp mã xác thực) mới có thể mở khóa.
Sau khi thẻ của bạn được phê duyệt thì ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ được ủy quyền của ngân hàng hoặc công ty phát hành thẻ của bạn sẽ tạo Số Tài Khoản Thiết Bị dành riêng cho thiết bị này, sau đó mã hóa số này và gửi cùng với các dữ liệu khác cho Apple. Apple không thể giải mã Số Tài Khoản Thiết Bị và thông tin này được lưu trữ trong Thành Phần Bảo Mật trên thiết bị của bạn.
Chìa Khóa Và Thẻ
Thẻ công ty, chìa khóa nhà, chìa khóa phòng khách sạn và chìa khóa xe hơi đều có thể được thêm vào cùng một vị trí thuận tiện trong Ví. Thẻ và chìa khóa của bạn được bảo vệ và lưu trữ trong Thành Phần Bảo Mật trên thiết bị của bạn.2
Apple Pay
Apple sẽ không biết được bạn mua gì, bao gồm cả nơi bạn mua hay thành tiền mà bạn thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ.
Số Tài Khoản Thiết Bị Duy Nhất
Khi bạn thêm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước vào Apple Pay thông qua ứng dụng Ví, thiết bị của bạn sẽ gửi thông tin thẻ cùng với các thông tin khác về tài khoản và thiết bị đến đơn vị phát hành thẻ của bạn một cách bảo mật. Số thẻ thực sự của bạn không bao giờ được lưu trữ trên thiết bị hay trên máy chủ của Apple. Thay vào đó, một Số Tài Khoản Thiết Bị duy nhất sẽ được tạo và được mã hóa theo cách mà Apple không thể giải mã, được lưu trữ trong Thành Phần Bảo Mật trên thiết bị của bạn. Số Tài Khoản Thiết Bị trong Thành Phần Bảo Mật tách biệt khỏi hệ điều hành và không được lưu trữ trên máy chủ của Apple Pay hay sao lưu vào iCloud. Chỉ mình bạn có thể truy cập Lịch sử mua bằng Apple Pay của bạn, Apple không sử dụng thông tin này để phục vụ quảng cáo.
Tại cửa hàng, các khoản thanh toán được xử lý bằng cách dùng Số Tài Khoản Thiết Bị và một mã bảo mật động, dành riêng cho từng giao dịch. Cả Apple và thiết bị của bạn đều không chia sẻ số thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ thực sự với bên bán. Nếu bạn sử dụng thẻ tích điểm, Apple yêu cầu tất cả thông tin định danh cá nhân, như địa chỉ email hay số điện thoại của bạn, đều phải được mã hóa khi được gửi đi. Không có thông tin tích điểm nào được chia sẻ khi không có sự cho phép của bạn.
Mua sắm trong ứng dụng và trên trang web
Khi bạn thực hiện thanh toán trong ứng dụng hoặc trên trang web, Apple nhận thông tin giao dịch đã được mã hóa của bạn và mã hóa lại thông tin đó với một khóa dành riêng cho nhà phát triển trước khi thông tin đó được gửi đến nhà phát triển. Khi bạn thực hiện thanh toán trên Mac có Touch ID hoặc Touch Bar, việc thanh toán được xử lý trong Thành Phần Bảo Mật, một chip được chứng nhận được thiết kế để lưu trữ an toàn thông tin thanh toán của bạn. Trên các máy tính Mac khác, Mac và bất kỳ thiết bị iOS hoặc iPadOS nào của bạn đã đăng nhập vào cùng tài khoản iCloud sẽ giao tiếp qua một kênh đã được mã hóa, nội bộ hoặc thông qua máy chủ của Apple. Apple yêu cầu tất cả ứng dụng và trang web sử dụng Apple Pay đều phải có chính sách quyền riêng tư bạn có thể xem, để bạn biết dữ liệu của mình được sử dụng thế nào.
Sức Khỏe
Các sản phẩm liên quan đến sức khỏe của Apple được thiết kế để đảm bảo an toàn cho dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư của bạn. Bạn có quyền kiểm soát thông tin nào được lưu trong ứng dụng Sức Khỏe và ứng dụng nào được quyền truy cập dữ liệu của bạn thông qua đó.
Bạn được quyền quyết định thông tin nào được lưu trong ứng dụng Sức Khỏe cũng như ai được quyền truy cập dữ liệu của bạn. Khi điện thoại của bạn được khóa bằng mật mã, Touch ID, hoặc Face ID, tất cả dữ liệu sức khỏe và thể chất của bạn trong ứng dụng Sức Khỏe, trừ mã ID Y Tế của bạn, đều được mã hóa. Mọi dữ liệu Sức Khỏe sao lưu vào iCloud đều được mã hóa cả trong quá trình chuyển tiếp và trên máy chủ của chúng tôi. Nếu bạn sử dụng các phiên bản watchOS và iOS gần đây và bật tính năng xác thực hai yếu tố và mật mã, dữ liệu về sức khỏe và hoạt động của bạn sẽ được sao lưu theo cách mà Apple cũng không đọc được.
Chia Sẻ Và Xóa Hoạt Động
Bạn có thể chọn chia sẻ dữ liệu Hoạt Động của mình từ Apple Watch với người dùng khác. Nếu sau đó bạn quyết định ngừng chia sẻ thì iPhone của người dùng khác sẽ xóa dữ liệu lịch sử đã được lưu trữ trong ứng dụng Thể Dục. Bạn cũng có thể tạm thời ẩn hoạt động của mình.
Chia Sẻ Sức Khỏe
Chia sẻ dữ liệu sức khỏe của bạn với những người bạn xem là quan trọng. Chọn dữ liệu và các xu hướng cụ thể để chia sẻ, bao gồm sức khỏe tim mạch, dữ liệu hoạt động, dữ liệu thí nghiệm, sinh hiệu, ID Y Tế, theo dõi chu kỳ, và hơn thế nữa.
HealthKit
HealthKit cho phép các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng sức khỏe và thể dục có khả năng chia sẻ dữ liệu với ứng dụng Sức Khỏe hoặc với nhau. Là người dùng, bạn có quyền kiểm soát và quyết định cấu phần nào từ thông tin HealthKit của bạn có thể được chia sẻ, và chia sẻ với ứng dụng nào. Apple yêu cầu mọi ứng dụng trong App Store phải cung cấp chính sách bảo mật để bạn xem xét, bao gồm cả các ứng dụng tương tác với HealthKit. Các ứng dụng tương tác với HealthKit không được phép sử dụng hay tiết lộ dữ liệu HealthKit cho bên thứ ba để phục vụ mục đích quảng cáo hay khai thác dữ liệu; các ứng dụng chỉ có thể chia sẻ dữ liệu với mục đích cải thiện sức khỏe, thể dục, hoặc nghiên cứu sức khỏe, với điều kiện phải được bạn cho phép. Khi bạn chọn chia sẻ dữ liệu đó với các ứng dụng bạn tin cậy, dữ liệu sẽ truyền trực tiếp từ HealthKit đến ứng dụng bên thứ ba mà không truyền qua mạng của Apple.
ResearchKit Và CareKit
ResearchKit và CareKit là các chương trình khung phần mềm mã nguồn mở tận dụng các công năng của iPhone. ResearchKit giúp cho bên phát triển phần mềm tạo ra các ứng dụng cho phép các nhà nghiên cứu y khoa thu thập dữ liệu rõ ràng và thiết thực phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Còn CareKit là nền tảng cho phép nhà phát triển tạo ra các ứng dụng giúp cho mọi người chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của chính họ.
Với ResearchKit, bạn được lựa chọn nghiên cứu mà bạn muốn tham gia và được kiểm soát các thông tin bạn muốn cung cấp cho từng ứng dụng. Các ứng dụng dùng ResearchKit hoặc CareKit chỉ có thể lấy dữ liệu từ ứng dụng Sức Khỏe khi có sự chấp thuận của bạn. Mọi ứng dụng có dùng ResearchKit phục vụ mục đích nghiên cứu sức khỏe con người đều phải nhận được sự chấp thuận từ phía các cá nhân tham gia khảo sát, đồng thời phải cung cấp thông tin về quyền bảo mật, quyền chia sẻ cũng như cách xử lý dữ liệu.
Các ứng dụng này phải được kiểm duyệt bởi một hội đồng đạo đức độc lập trước khi triển khai nghiên cứu. Đối với một số nghiên cứu của ResearchKit, Apple có thể được liệt kê tên trong danh sách các nhà nghiên cứu liên quan, được quyền tiếp nhận dữ liệu từ người tham gia nghiên cứu nếu họ đã chấp thuận chia sẻ dữ liệu với nhà nghiên cứu, như vậy chúng tôi được quyền tham gia vào cộng đồng nghiên cứu lớn hơn để tìm hiểu xem công nghệ của mình có thể giúp ích cho mọi người ra sao trong việc cải thiện hiệu quả quản trị chăm sóc sức khỏe. Dữ liệu này được tiếp nhận theo một phương cách nhất định, sao cho không chỉ đích danh trực tiếp người tham gia nghiên cứu với Apple.
Nền tảng nghiên cứu của Apple giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng tiếp cận những cá nhân có nguyện vọng chung tay thúc đẩy tiến bộ y học. Bạn có thể đăng ký tham gia một (hoặc nhiều) nghiên cứu ngay từ iPhone của mình. Nếu bạn đáp ứng các tiêu chí cho một nghiên cứu nhất định, bạn có thể đồng ý tham gia. Mọi dữ liệu thu thập qua ứng dụng Nghiên Cứu của Apple sẽ được mã hóa nếu bạn có thiết lập mật mã trên thiết bị. Khi được chia sẻ, dữ liệu được lưu trữ an toàn trong một hệ thống của Apple vốn dĩ được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ kỹ thuật có trong Đạo Luật về Trách Nhiệm Giải Trình và Cung Cấp Bảo Hiểm Y Tế (HIPAA). Apple sẽ không có quyền truy cập vào bất kỳ thông tin liên hệ nào hay dữ liệu nào nếu nó trực tiếp chỉ đích danh bạn thông qua ứng dụng Nghiên Cứu. Bạn có thể rút lui khỏi mọi nghiên cứu, bất kỳ lúc nào, qua đó chấm dứt hoạt động thu thập dữ liệu trong tương lai.
Cải Thiện Ứng Dụng Sức Khỏe & Hoạt Động Và Cải Thiện Chế Độ Xe Lăn
Các tính năng Cải Thiện Sức Khỏe & Hoạt Động cũng như Cải Thiện Chế Độ Xe Lăn gửi dữ liệu từ iPhone và Apple Watch đến Apple để chúng tôi có thể tăng cường hiệu quả các tính năng sức khỏe và thể dục. Dữ liệu được gửi cho chúng tôi bao gồm các chỉ số dữ liệu được hiển thị trong các ứng dụng Sức Khỏe, Hoạt Động, và Thể Dục, các chỉ số đo lường vận động, danh mục các ứng dụng thể dục khác mà bạn đã cài đặt, vị trí gần đúng, và thời lượng sử dụng Apple Watch của bạn. Dữ liệu này không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác và không bao gồm thông tin định danh cá nhân.
Dịch Vụ Định Vị
Các chế độ quản lý quyền riêng tư có trong Dịch Vụ Định Vị là công cụ mạnh mẽ giúp bạn quản lý cụ thể ứng dụng nào được quyền truy cập vị trí của bạn.
Quyền truy cập thông tin vị trí giúp bạn kiểm soát dữ liệu vị trí mà bạn chuyển cho các ứng dụng bằng cách sử dụng các chế độ kiểm soát tinh chỉnh. Bạn có thể tùy chọn cấp cho ứng dụng quyền truy cập thông tin vị trí của bạn chỉ một lần hoặc cấp quyền truy cập cứ mỗi lần bạn dùng nó.
Vị Trí Gần Đúng
Bắt đầu từ iOS 14, iPadOS14 và watchOS 7, bạn có thể tùy chọn chế độ cho phép ứng dụng xem vị trí gần đúng của bạn hoặc không – trong phạm vi khoảng 25 km vuông chứ không phải là vị trí chính xác của bạn. Nhờ vậy bạn có thể dùng ứng dụng để tìm các nhà hàng trong khu vực gần đó hoặc kiểm tra tình hình thời tiết địa phương mà không cần phải cung cấp nhiều thông tin vượt mức cần thiết.
Thông Báo Theo Dõi Trong Nền
Nhận thông báo khi một ứng dụng sử dụng vị trí của bạn trong nền, qua đó bạn có thể quyết định xem có cần cập nhật lại quyền truy cập của mình hay không. Thông báo theo dõi trong nền bao gồm một bản đồ hiển thị các địa điểm mà tại đó ứng dụng đã dùng thông tin vị trí của bạn trong nền.
Các Cải Tiến Về Bảo Mật Vị Trí Wi-Fi Và Bluetooth
Bắt đầu từ iOS 13 và iPadOS 13, API đã có một số thay đổi, qua đó giới hạn các loại ứng dụng được quyền nhìn thấy tên mạng Wi-Fi mà bạn đã kết nối, khiến các ứng dụng khó xác định được vị trí của bạn nếu không được bạn chấp thuận. Để bảo vệ bạn khỏi các ứng dụng thường dùng Bluetooth để xác định vị trí của bạn một cách trái phép, iOS và iPadOS có các chế độ kiểm soát yêu cầu ứng dụng phải hỏi xin sự chấp thuận của bạn trước khi truy cập Bluetooth để phục vụ bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích phát âm thanh. Các cài đặt Bluetooth cho phép bạn thay đổi tùy chọn có cho phép một ứng dụng nào đó được quyền truy cập hay không, vào bất kỳ lúc nào.
Quản Lý Thông Tin Vị Trí Khi Chia Sẻ Ảnh
macOS, iOS, và iPadOS cho phép bạn quyết định xem bạn có muốn thêm thông tin vị trí của mình khi bạn chia sẻ ảnh hay không, bất kể bạn đang chia sẻ ảnh với bạn bè hay với một ứng dụng.
Đăng nhập bằng Apple
Đăng nhập vào các ứng dụng và trang web một cách nhanh chóng và dễ dàng, đảm bảo các hoạt động của bạn không bị theo dõi hay lập hồ sơ định danh bởi Apple.
Đăng Nhập Với Apple cho phép bạn đăng nhập vào các ứng dụng và trang web bằng Tài khoản Apple bạn có. Khi bạn sử dụng Đăng Nhập Với Apple, thông tin riêng tư nhất mà các trang web và ứng dụng được quyền hỏi bạn chỉ là tên của bạn và địa chỉ email. Và Apple không theo dõi hay lập hồ sơ định danh bạn khi bạn sử dụng tính năng Đăng Nhập Với Apple.
Ẩn Địa Chỉ Email
Nếu không muốn chia sẻ địa chỉ email với một ứng dụng hoặc trang web cụ thể, bạn có thể chọn ẩn nó đi. Bạn cũng có thể yêu cầu Apple tạo một địa chỉ email riêng để chuyển tiếp email đến địa chỉ thực của bạn.
Xác Thực Hai Yếu Tố
Tính năng Đăng Nhập Với Apple yêu cầu Tài khoản Apple của bạn phải được bảo vệ bằng xác thực hai yếu tố, giúp việc truy cập vào tài khoản trong các ứng dụng yêu thích của bạn được an toàn hơn.
Nâng Cấp Để Đăng Nhập Với Apple
Các nhà phát triển có thể cung cấp cho bạn tùy chọn nâng cấp các tài khoản ứng dụng hiện đang sử dụng tính năng Đăng Nhập Bằng Apple. Bạn có thể đăng nhập tài khoản của mình thật nhanh chóng và dễ dàng bằng cách dùng Face ID hoặc Touch ID cũng như sử dụng tính năng xác thực hai yếu tố của Apple để tăng cường bảo mật và quyền riêng tư mà không cần phải thiết lập tài khoản mới.
Giải Trí
Các dịch vụ giải trí của chúng tôi sử dụng thông tin nội dung bạn nghe, xem, và chơi để cá nhân hóa trải nghiệm của bạn. Nhưng Apple không lập hồ sơ định danh toàn diện về hoạt động của bạn trong các dịch vụ.
Apple Music
Apple Music không có quảng cáo từ các công ty khác. Để giúp các tính năng cá nhân hóa như Nghe Ngay, Tự Động Phát, các bản hòa âm cá nhân và thông báo ca khúc mới thể hiện đúng sở thích âm nhạc của bạn, Apple thu thập một số thông tin về hoạt động của bạn khi bạn phát hoặc tìm nhạc. Việc này được nêu rõ trong phần thiết lập của “Giới Thiệu Apple Music & Quyền Riêng Tư." Apple Music có nghĩa vụ chia sẻ một số dữ liệu tổng hợp với các đối tác như hãng thu âm nhằm phục vụ cho các mục đích chính đáng chẳng hạn như thanh toán tiền bản quyền cho nghệ sĩ, nhưng điều này chỉ được thực hiện theo tiêu chuẩn bảo vệ quyền riêng tư hàng đầu ngành.
Apple Music không chia sẻ dữ liệu với các đối tác nếu họ sử dụng các trình định danh người dùng hoặc thiết bị. Và nếu bạn không muốn giữ bộ sưu tập nhạc của mình trên máy chủ của chúng tôi, bạn có thể chọn không sử dụng Thư Viện Nhạc iCloud. iOS và iPadOS cho phép bạn quyết định xem ứng dụng nào có thể truy cập vào tài khoản Nhạc của bạn và các thông tin chi tiết có liên quan. Bạn Bè Apple Music, một tính năng tùy chọn tham gia, cho phép bạn chia sẻ bài nhạc yêu thích và quyết định xem người bạn nào có thể thấy bài nhạc đó trong hồ sơ của bạn. Apple Music chỉ có quyền truy cập các liên hệ bạn chọn thêm vào cho danh sách Bạn Bè Apple Music, không được truy cập toàn bộ danh bạ của bạn.
Để đưa ra các đề xuất cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm sử dụng Apple TV của bạn, Apple thu thập thông tin về các giao dịch mua, tải xuống và hoạt động của bạn trong ứng dụng Apple TV, bao gồm những gì bạn xem trên ứng dụng Apple TV, các ứng dụng đã liên kết và vị trí của bạn. Bạn có thể chọn chia sẻ nội dung đã xem trong các ứng dụng liên kết để tổng hợp toàn bộ nội dung lại với nhau, và bạn có quyền quản lý đối với lịch sử xem đã được Apple sử dụng nhằm mục đích cung cấp cho bạn các đề xuất cá nhân hóa. Bạn có thể xóa lịch sử xem mà Apple đang lưu giữ ra khỏi các ứng dụng đã liên kết hoặc chọn xóa lịch sử trong từng ứng dụng.
Các trò chơi trên Apple Arcade không thu thập bất kỳ dữ liệu cá nhân nào về bạn và cũng không theo dõi bất kỳ thông tin nào về cách bạn chơi game, nếu không có sự cho phép của bạn. Các game trong Apple Arcade không chứa quảng cáo trong game, cũng không có hoạt động theo dõi của bên thứ ba.
Mọi ứng dụng trong App Store bắt buộc phải tuân thủ các quy định hướng dẫn nghiêm ngặt về việc bảo vệ quyền riêng tư của bạn, đồng thời phải cung cấp một bản tóm tắt tự trình báo về cách ứng dụng đó sử dụng dữ liệu của bạn. Và các ứng dụng phải nhận được sự cho phép của bạn thì mới được truy cập các thông tin như ảnh hay vị trí của bạn.
Hướng Dẫn Cho Ứng Dụng
Trên App Store, Apple yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng tuân thủ các quy định hướng dẫn cụ thể đã được soạn thảo với mục đích bảo vệ quyền riêng tư và thông tin bảo mật của người dùng. Apple cũng yêu cầu họ cung cấp chính sách bảo mật để bạn có thể xem xét. Khi Apple phát hiện một ứng dụng nào đó vi phạm các quy định hướng dẫn, nhà phát triển ứng dụng phải giải quyết vấn đề hoặc ứng dụng đó sẽ bị xóa khỏi App Store. Các ứng dụng sẽ phải đi qua một quy trình kiểm duyệt trước khi xuất hiện trên App Store.
Các nhà phát triển có trách nhiệm tự báo cáo cách họ đang dùng dữ liệu của bạn, chẳng hạn như dữ liệu về mức độ sử dụng thiết bị, thông tin liên lạc hoặc vị trí, đồng thời cho biết dữ liệu đó có đang được dùng để theo dõi bạn hay không. Bạn có thể xem từng Nhãn Thành Phần Quyền Riêng Tư tự báo cáo tại trang thông tin sản phẩm của ứng dụng trên App Store bất kỳ lúc nào, kể cả trước khi bạn chọn tải xuống. Đây là một động thái trong nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ của Apple nhằm tăng cường yếu tố minh bạch và đảm bảo quyền kiểm soát dữ liệu cho chính bạn, và Apple sẽ tiếp tục cập nhật tính năng này cũng như làm việc với các nhà phát triển để đảm bảo rằng người dùng có thể đưa ra các lựa chọn sáng suốt dựa trên thông tin tỏ tường.
Khi một ứng dụng được cài đặt trên thiết bị của bạn, bạn sẽ được nhắc cấp quyền truy cập trong lần đầu tiên ứng dụng muốn truy cập thông tin như vị trí hay ảnh của bạn. Bạn có thể điều chỉnh các phân quyền truy cập bạn đã cấp. Và iOS 11 trở lên và iPadOS cho bạn quyền giám sát vấn đề cung cấp dữ liệu vị trí cho mọi ứng dụng chỉ trong lúc bạn đang dùng nó. Apple cũng đảm bảo rằng các ứng dụng không thể truy cập một số loại dữ liệu nhất định trên thiết bị của bạn đồng thời cũng không có cách nào để ứng dụng yêu cầu quyền truy cập đầy đủ đối với toàn bộ dữ liệu của bạn.
Ứng Dụng Thu Nhỏ
Khi bạn sử dụng Ứng Dụng Thu Nhỏ, các nhà phát triển chỉ có thể yêu cầu truy cập một bộ dữ liệu giới hạn. Khi một Ứng Dụng Thu Nhỏ yêu cầu cấp quyền truy cập vị trí, camera, hay các dữ liệu nhạy cảm khác, ứng dụng sẽ phải xin bạn chấp thuận như một ứng dụng hoàn chỉnh. Bạn cũng có thể chọn cấp quyền cho tất cả các Ứng Dụng Thu Nhỏ. Ứng Dụng Thu Nhỏ không được phép yêu cầu bạn cấp quyền để theo dõi bạn trên ứng dụng và trang web của các công ty khác, chỉ những ứng dụng hoàn chỉnh mới có thể yêu cầu điều này.
Theo Dõi Ứng Dụng
Mục theo dõi ứng dụng trong Cài Đặt giúp bạn dễ dàng biết được ứng dụng nào đã được cấp quyền theo dõi bạn, nhờ đó bạn có thể thay đổi tùy chọn của mình và ngăn không cho các ứng dụng yêu cầu quyền truy cập trong tương lai. iOS 14.5 và iPadOS 14.5 trở lên yêu cầu nhà phát triển phải nhận được sự chấp thuận trước khi theo dõi hoạt động của bạn trên các ứng dụng và trang web do các công ty khác phát hành nhằm mục đích chạy quảng cáo hoặc môi giới dữ liệu.
iCloud
Những gì bạn lưu trữ trong iCloud sẽ được bảo vệ bằng mã hóa. Theo thiết kế đặc thù, các nhà phát triển bên thứ ba đang dùng công nghệ CloudKit không có quyền truy cập vào Tài khoản Apple của bạn.
Mã Hóa Dữ Liệu
Nội dung iCloud của bạn, chẳng hạn như ảnh, thông tin liên hệ và lời nhắc, đều đã mã hóa khi được chuyển đi hoặc khi được lưu lại trên máy chủ của chúng tôi. Trong quá trình được chuyển tiếp từ thiết bị của bạn đến iCloud, thư từ được mã hóa và lưu trữ thông qua các tính năng bảo mật có chức năng bảo vệ an toàn cho mọi thông tin trao đổi của bạn, đồng thời đảm bảo bạn được truy cập nhanh và dễ dàng với hòm thư của mình. Apple cũng mã hóa thông tin được chuyển qua lại giữa bất kỳ ứng dụng email nào khác mà bạn đang sử dụng đến các máy chủ thư iCloud của chúng tôi. Một số dữ liệu cá nhân, chẳng hạn như dữ liệu Nhà và Sức Khỏe, được lưu trữ bằng kỹ thuật mã hóa đầu cuối, mang đến mức độ bảo mật dữ liệu cao nhất. Để tăng cường bảo mật, bạn có thể bật Bảo Vệ Dữ Liệu Nâng Cao, sử dụng mã hóa đầu cuối để đảm bảo rằng dữ liệu iCloud trong nhiều danh mục chỉ có thể được giải mã trên các thiết bị được tin cậy của bạn, bảo vệ thông tin của bạn ngay cả trong trường hợp rò rỉ dữ liệu trên đám mây.
Xác thực hai yếu tố là một lớp bảo mật bổ sung cho Tài khoản Apple của bạn. Tính năng này nhằm đảm bảo duy chỉ có một mình bạn được quyền truy cập vào tài khoản của mình, ngay cả trong trường hợp người khác biết mật khẩu của bạn. Dễ thiết lập và dễ sử dụng.
Với tính năng chia sẻ iCloud, thông tin định danh của người tham gia sẽ không được tiết lộ cho bất kỳ người nào khác nếu họ không được mời và chấp nhận chế độ chia sẻ riêng tư. Bất kỳ ai có phân quyền truy cập vào liên kết chia sẻ, bao gồm Apple, cũng sẽ thấy được tên của các tệp chia sẻ cũng như họ và tên chủ thể có liên kết với Tài khoản Apple của bạn. Từ iOS 11 trở lên, iPadOS, và macOS High Sierra trở lên, mã hóa đầu cuối trong iCloud sẽ đồng bộ hóa một số loại dữ liệu cá nhân nhất định, chẳng hạn như dữ liệu Sức Khỏe, trên tất cả thiết bị của bạn theo cách mà Apple cũng không đọc hay truy cập được.
CloudKit
CloudKit là cách các nhà phát triển bên thứ ba sử dụng dung lượng lưu trữ iCloud trong ứng dụng của riêng họ. CloudKit giúp bạn cập nhật các tùy chọn yêu thích, cấu hình và dữ liệu ứng dụng trên tất cả các thiết bị của bạn. Các nhà phát triển sử dụng CloudKit để giúp bạn sử dụng ứng dụng của họ dễ dàng hơn vì bạn không cần phải đăng nhập riêng rẽ nữa. Theo chế độ mặc định, các nhà phát triển không có quyền truy cập Tài khoản Apple của bạn, chỉ được tiếp cận một mã định danh duy nhất mà thôi. Nếu bạn cấp quyền truy cập cho họ, các nhà phát triển có thể dùng email của bạn để cho phép các chủ thể khác tìm bạn trong ứng dụng của họ. Bạn luôn được quản lý các quyền truy cập này và có thể bật hoặc tắt chúng bất kỳ lúc nào. Dữ liệu liên kết với CloudKit của bạn không được chia sẻ với các nhà phát triển, trừ khi bạn chọn chia sẻ hoặc công khai.
Các Liên Hệ Khôi Phục Tài Khoản
Hãy chọn một hoặc nhiều người mà bạn tin tưởng làm Các Liên Hệ Khôi Phục Tài Khoản để giúp bạn đặt lại mật khẩu và lấy lại quyền truy cập cho tài khoản của mình.
Chương Trình Di Sản Kỹ Thuật Số
Chương trình Di Sản Kỹ Thuật Số cho phép bạn chỉ định các cá nhân nhất định làm Liên Hệ Kế Thừa để họ được quyền truy cập vào tài khoản và thông tin cá nhân của bạn trong trường hợp bạn qua đời.
iCloud+
iCloud+ có các tính năng thật tuyệt vời để hỗ trợ bảo vệ quyền riêng tư của bạn khi bạn lướt web và dùng email.
Ẩn Địa Chỉ Email
Ẩn Địa Chỉ Email cho phép bạn tạo các địa chỉ email ngẫu nhiên và duy nhất có chức năng chuyển tiếp thư đến hòm thư cá nhân của bạn, qua đó bạn có thể gửi và nhận email mà không cần chia sẻ địa chỉ email thực của mình.
Chuyển Tiếp Bảo Mật iCloud
Chuyển Tiếp Bảo Mật iCloud là một dịch vụ bảo mật mạng sử dụng kiến trúc đa lớp tiên tiến, trong đó các yêu cầu của người dùng sẽ đi qua hai lần chuyển tiếp riêng biệt qua internet do các tổ chức khác nhau vận hành. Bằng cách này, không một bên nào, kể cả Apple, có thể xem hoặc thu thập thông tin chi tiết về hoạt động duyệt web của người dùng.3
Ứng dụng Nhà sử dụng mã hóa để bảo vệ thông tin bạn truyền đến tất cả các phụ kiện HomeKit của mình. Các ứng dụng dùng HomeKit phải tuân theo các điều khoản nghiêm ngặt trong hướng dẫn dành cho nhà phát triển của chúng tôi.
Mã Hóa
Dữ liệu liên quan đến nhà của bạn được mã hóa và lưu trữ theo cách mà Apple cũng không đọc được. Dữ liệu này cũng được mã hóa trong quá trình chuyển tiếp giữa thiết bị Apple của bạn và các thiết bị bạn đang điều khiển trong nhà, ngay cả khi bạn điều khiển các phụ kiện từ nơi xa. Các bản ghi từ camera an ninh sử dụng Video Bảo Mật HomeKit được phân tích một cách riêng tư trên các thiết bị Apple của bạn ở nhà, sau đó được gửi an toàn đến iCloud thông qua kỹ thuật mã hóa đầu cuối.
Các phương thức bảo vệ vị trí
Khi các ứng dụng thực hiện hành động tự động dựa trên vị trí của bạn, chẳng hạn như bật đèn nhà, những hành động này được triển khai bởi hệ sinh thái Apple Home, khiến vị trí của bạn trở nên vô hình đối với ứng dụng. Bạn cũng có thể vô hiệu hóa việc sử dụng vị trí của mình bất cứ lúc nào.
Các phương thức bảo vệ ứng dụng
Các ứng dụng sử dụng HomeKit hoặc Matter bị hạn chế bởi hướng dẫn dành cho nhà phát triển của chúng tôi, nhằm mục đích chỉ sử dụng dữ liệu cho các dịch vụ tự động hóa hoặc định cấu hình nhà.
Video Bảo Mật HomeKit
Trong iOS 13 và iPadOS 13 trở lên, Video Bảo Mật HomeKit đảm bảo rằng hoạt động do camera an ninh phát hiện được phân tích và mã hóa bởi các thiết bị Apple của bạn ở nhà trước khi được lưu trữ an toàn trong iCloud.
Matter
Việc triển khai Matter của Apple bao gồm các tính năng bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật tiên tiến được thiết kế để giúp bạn điều khiển trải nghiệm nhà thông minh, đồng thời tăng khả năng tương tác giữa các ứng dụng và hệ sinh thái.
Khi ghép nối một phụ kiện Matter mới, iOS và iPadOS sẽ duy trì mức độ riêng tư và bảo mật cao nhất, đảm bảo bạn luôn biết được phụ kiện nào hoạt động trong hệ thống mạng nhà thông minh của mình và có toàn quyền điều khiển hệ thống này. Cũng giống như với thông tin vị trí, danh bạ, lịch và ảnh, các ứng dụng phải yêu cầu quyền truy cập để thêm phụ kiện vào nhà của bạn.
Bộ định tuyến hỗ trợ HomeKit
Các bộ định tuyến hỗ trợ HomeKit cho phép bạn xem và quản lý lưu lượng truy cập internet của các phụ kiện khác, cả trong nhà và qua internet.
Trẻ Em Và Gia Đình
Các tính năng như Liên Lạc An Toàn, Thời Gian Sử Dụng, Chia Sẻ Trong Gia Đình và các ứng dụng giáo dục do Apple thiết kế giúp giữ an toàn cho trẻ, đồng thời cung cấp cho cha mẹ và giáo viên quyền kiểm soát những nội dung trẻ có thể truy cập và chia sẻ.
An toàn cho trẻ em
Liên Lạc An Toàn bổ sung các biện pháp bảo vệ dành cho trẻ em trước việc trẻ có thể nhận hoặc tìm cách gửi ảnh hoặc video có chứa nội dung khỏa thân. Cha mẹ có thể quản lý tính năng Liên Lạc An Toàn thông qua gói Chia Sẻ Trong Gia Đình.
Nội dung khỏa thân sẽ bị làm mờ và trẻ sẽ được cảnh báo, đồng thời được cung cấp các tài nguyên hữu ích, và được trấn an rằng trẻ hoàn toàn có thể bỏ qua việc xem ảnh hoặc video đó. Các biện pháp bảo vệ tương tự cũng được áp dụng nếu trẻ tìm cách gửi ảnh hoặc video có chứa nội dung khỏa thân. Trong cả hai trường hợp, trẻ đều được cung cấp tùy chọn nhắn tin cho người mà trẻ tin tưởng để nhận sự giúp đỡ. Cảnh báo hoạt động trên ứng dụng Tin Nhắn, tin nhắn video FaceTime và AirDrop, và khi sử dụng ứng dụng Điện Thoại để nhận Áp Phích Liên Hệ và công cụ chọn Ảnh khi lựa chọn nội dung gửi đi.
Toàn bộ quá trình xử lý hình ảnh và video của tính năng Liên Lạc An Toàn diễn ra trên thiết bị, nghĩa là Apple hay bất kỳ bên thứ ba nào đều không có quyền truy cập vào nội dung. Ảnh và video sẽ được phân tích để xác định xem có chứa nội dung khỏa thân hay không. Mã hóa đầu cuối sẽ luôn được duy trì, và tất cả dấu hiệu của việc kiểm tra nội dung khỏa thân hoàn toàn chỉ hiển thị trên thiết bị. Apple không có quyền truy cập vào tin nhắn và không có thông báo nào được gửi cho cha mẹ hay bất kỳ ai khác.
Chia Sẻ Trong Gia Đình
Với tính năng Chia Sẻ Trong Gia Đình, trẻ có thể sở hữu Tài khoản Apple của riêng mình khi có sự chấp thuận của một người là chủ gia đình. Apple đã phát triển các công cụ chẳng hạn như Hỏi Để Mua - một công cụ cho phép phụ huynh xét duyệt yêu cầu tải ứng dụng hoặc yêu cầu mua sắm trong ứng dụng, qua đó phụ huynh có quyền quản lý việc mua sắm của con mình thông qua Tài khoản Apple. Apple yêu cầu phải có sự chấp thuận của phụ huynh hoặc người giám hộ để lập Tài khoản Apple cho trẻ và giúp người lớn theo dõi hoạt động cũng như nội dung truy cập của trẻ.
Bạn có thể sử dụng tính năng Thời Gian Sử Dụng để hiểu rõ hơn và đưa ra lựa chọn về thời lượng cho phép con cái của bạn sử dụng các ứng dụng cũng như trang web. Báo Cáo Hoạt Động cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về tất cả hoạt động của con bạn, bao gồm hành vi dùng ứng dụng, các thông báo và số lần mở thiết bị; chỉ có bạn, con của bạn và những người mà bạn chọn chia sẻ báo cáo mới xem được thông tin này. Bạn cũng có thể cài đặt thời lượng dùng các ứng dụng và trang web cụ thể được cho phép mỗi ngày đối với con của bạn.
Apple không bán thông tin của học sinh và chúng tôi không chia sẻ nó với các bên thứ ba nhằm sử dụng cho mục đích tiếp thị hay quảng cáo. Apple không thu thập, sử dụng hay tiết lộ thông tin từ Apple School Manager, ứng dụng Schoolwork, ứng dụng Lớp Học, iTunes-U hoặc các Tài khoản Apple Được Quản Lý, ngoại trừ trường hợp thu thập vì mục đích cung cấp các dịch vụ giáo dục phù hợp. Apple không theo dõi học sinh hoặc xây dựng hồ sơ định danh dựa trên email hoặc hoạt động lướt web của học sinh. Phụ huynh là người quyết định có cho trẻ tham gia hay không, và học sinh được quyền truy cập dữ liệu của chính các em trên thiết bị.
Để đưa ra các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư tốt nhất dành cho học sinh và giáo viên, mọi thỏa thuận và quy trình có liên quan đều tuân thủ Quy Định Bảo Vệ Dữ Liệu Chung của Liên Minh Châu Âu (GDPR). Ngoài ra, Apple đã ký Cam Kết Về Quyền Riêng Tư Của Học Sinh, góp phần củng cố hơn nữa cam kết bảo vệ thông tin mà các em học sinh, phụ huynh và giáo viên chia sẻ tại trường.
Apple có các quy định hướng dẫn được soạn thảo để bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật cho người dùng trên tất cả các ứng dụng. Đối với các ứng dụng trong danh mục Trẻ Em, chúng tôi yêu cầu các biện pháp bảo vệ tăng cường để bảo vệ dữ liệu của trẻ em và ngăn chặn các quảng cáo không phù hợp. Chúng tôi tin rằng khi cha mẹ tải xuống một ứng dụng cho con của mình từ danh mục Trẻ Em, họ cần được biết rõ rằng dữ liệu cá nhân liên quan đến hành vi sử dụng thiết bị của con cái họ sẽ được chuyển tiếp ra sao, và ứng dụng phải đảm bảo an toàn để phụ huynh an tâm về việc con họ sẽ không trở thành đối tượng bị nhắm đến của các quảng cáo không phù hợp.
Các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư được cài đặt sẵn.
Quyền riêng tư là một cấu phần nền tảng trong quy trình thiết kế. Chúng tôi tích hợp các biện pháp bảo vệ này trong mọi sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ của Apple.
Giảm Thiểu Lượng Dữ Liệu Thu Thập
Tại Apple, chúng tôi tin rằng mình chỉ cần thu thập vừa đủ lượng dữ liệu cá nhân cần thiết để cung cấp cho bạn những gì bạn cần. Bất cứ khi nào có thể, Apple sẽ xử lý và phân tích dữ liệu cá nhân trên thiết bị của bạn. Trong trường hợp cần thông tin cá nhân cụ thể, chúng tôi giảm thiểu lưu lượng dữ liệu cần sử dụng để cung cấp dịch vụ mong muốn, chẳng hạn như vị trí của bạn khi bạn tìm kiếm trên Bản Đồ. Apple không lưu giữ một hồ sơ dữ liệu toàn diện trong đó ghi nhận lại mọi hoạt động của bạn trên các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi nhằm mục đích chạy quảng cáo nhắm đối tượng.
Trí Thông Minh Trên Thiết Bị
Apple sử dụng công nghệ máy học để cải thiện trải nghiệm của bạn, và cả quyền riêng tư của bạn, bằng cách sử dụng công nghệ xử lý trên thiết bị để những người khác không thể nhìn thấy dữ liệu của bạn. Chúng tôi đã và đang dùng tính năng này để nhận diện ảnh và bối cảnh trên thiết bị trong ứng dụng Ảnh, dự báo văn bản trên bàn phím và hơn thế nữa. Ví dụ, chip A13 Bionic trở lên và Neural Engine trên iPhone có thể nhận ra các dấu hiệu, dự đoán, và tích luỹ kinh nghiệm, tương tự cách bạn làm. Nhờ đó, thiết bị có thể tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa mà không cần phân tích thông tin cá nhân trên máy chủ Apple. Các nhà phát triển có thể sử dụng các chương trình khung, chẳng hạn như Create ML và Core ML, để tạo ra các trải nghiệm ứng dụng mới đầy mạnh mẽ nhưng lại không yêu cầu trích xuất dữ liệu ra khỏi thiết bị của bạn. Điều này có nghĩa là các ứng dụng có thể phân tích tâm lý người dùng, phân loại bối cảnh, dịch văn bản, nhận diện chữ viết, dự đoán văn bản, gắn thẻ cho nhạc, và nhiều điều khác mà không hề khiến cho quyền riêng tư của bạn bị đe dọa.
Tính Minh Bạch Và Quyền Kiểm Soát
Khi thu thập dữ liệu cá nhân, Apple luôn rõ ràng và minh bạch. Chúng tôi đảm bảo rằng bạn biết được thông tin cá nhân của bạn đang được sử dụng như thế nào, đồng thời cho biết cách dừng cho phép điều này bất kỳ lúc nào bạn muốn. Các trang thông tin dữ liệu và quyền riêng tư giúp bạn hiểu rõ cách Apple sử dụng thông tin cá nhân của bạn trước khi bạn đăng nhập hay bắt đầu sử dụng các tính năng mới. Chúng tôi cũng cung cấp một bộ công cụ quản lý quyền riêng tư chuyên biệt trên trang Dữ Liệu và Quyền Riêng Tư. Ví dụ: từ iOS 14 trở lên, bạn có thể chọn cấp quyền truy cập chỉ những ảnh nào bạn muốn cho ứng dụng. Và bạn sẽ nhận được thông báo khi một ứng dụng đang sử dụng vị trí trong nền, để bạn tự quyết định xem có muốn cập nhật lại tùy chọn cấp quyền truy cập hay không.
Apple đã phát triển các công nghệ giúp ẩn danh tính của bạn khi dữ liệu phải chuyển đến các máy chủ của Apple. Đôi khi chúng tôi sử dụng mã định danh ngẫu nhiên, cho nên dữ liệu của cá nhân bạn không liên kết với Tài khoản Apple của bạn. Chúng tôi đi tiên phong trong việc sử dụng Quyền Riêng Tư Khác Biệt để hiểu rõ các mô thức hành vi trong quá trình bảo vệ quyền riêng tư của từng cá nhân người dùng. Nếu bạn chọn gửi cho Apple dữ liệu phân tích về việc sử dụng thiết bị của mình, thông tin được thu thập sẽ không chỉ đích danh cá nhân bạn. Khi được thu thập, dữ liệu cá nhân hoặc là không được ghi nhận lại, chỉ được xóa ra khỏi các báo cáo trước khi gửi về cho Apple, hoặc là sẽ được bảo vệ bằng các kỹ thuật chẳng hạn như Quyền Riêng Tư Khác Biệt. Các kỹ thuật này giúp chúng tôi cung cấp và cải thiện dịch vụ, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của bạn.
Không có các biện pháp bảo mật thì không thể đảm bảo quyền riêng tư. Mọi thiết bị của Apple là tổng hòa của phần cứng, phần mềm và dịch vụ phối hợp với nhau nhằm mang lại hiệu quả bảo mật tối ưu và trải nghiệm người dùng minh bạch. Phần cứng tùy chỉnh, chẳng hạn như Secure Enclave trong iPhone, iPad và Mac, hỗ trợ các tính năng bảo mật quan trọng như mã hóa dữ liệu. Các biện pháp bảo vệ phần mềm được triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho hệ điều hành và các ứng dụng bên thứ ba. Các dịch vụ cung cấp cơ chế bảo mật và cập nhật kịp thời phần mềm; góp phần tạo ra một hệ sinh thái ứng dụng an toàn hơn, đảm bảo giao tiếp và thanh toán bảo mật, qua đó mang đến cho người dùng trải nghiệm an toàn hơn trên mạng. Các thiết bị Apple bảo vệ không chỉ thiết bị và dữ liệu bên trong mà còn đảm bảo an toàn cho toàn hệ sinh thái, bao gồm mọi tác vụ của bạn trên thiết bị, trên mạng và thông qua các dịch vụ web quan trọng.