mở trong cửa số mới
tải video
Môi trường 13 tháng 3 2024
Tại Rừng Đại Tây Dương của Nam Mỹ, nhiều người cho rằng sự sống phụ thuộc vào một người mẹ: một nữ hoàng nuôi dưỡng tất cả loài sinh vật. Điều này đúng với các loài động thực vật nơi đây, và kể cả các loài cây vươn cao, hướng lên trời để đón lấy ánh nắng đồng thời che bóng mát cho sinh vật sống ở tầng cây bụi thấp.
Theo ước tính, hiện có 5.000 loài cây trong Rừng Đại Tây Dương. Hai phần ba loài cây trong số đó đang bị đe dọa tuyệt chủng sau nhiều thế kỷ bị khai thác. Phục hồi rừng mưa nhiệt đới — một khu vực có tiềm năng phục hồi riêng biệt tại Brazil với diện tích 100 triệu mẫu, là mục tiêu chính của các dự án Apple hỗ trợ trong toàn khu vực, bao gồm một dự án nằm ngay trong đất liền từ thị trấn ven biển Trancoso tại Bahia, Brazil. Đây là nơi một công ty đang tiến hành ươm cây giống từ cây mẹ, những cây có khả năng chống chịu cao nhất trong số các loài vẫn tồn tại trước sự tàn phá rừng mưa nhiệt đới.
“Chúng tôi bắt đầu bằng vật liệu di truyền tốt nhất có thể, được thu hoạch tại khu bảo tồn bản địa khổng lồ của rừng mưa nhiệt đới Đại Tây Dương," Bruno Mariani, nhà sáng lập kiêm CEO của Symbiosis, công ty đầu tư và quản lý rừng, giải thích. "Qua đó sẽ thu hút nhiều hệ động vật và côn trùng.”
Bruno Mariani đứng trong Rừng Đại Tây Dương.
CEO Bruno Mariani thành lập Symbiosis vào năm 2008 nhằm mục đích giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu mà ông chứng kiến tại Brazil cũng như trên thế giới.
Được thành lập năm 2008, Symbiosis đã và đang thu hoạch, lưu trữ và gieo hạt giống từ các cây mẹ của nhiều loài bản địa khác nhau tại Brazil kể từ năm 2010. "Cây mẹ tượng trưng cho thiên nhiên mang lại cho chúng ta tất cả năng lượng và nền tảng để phục hồi, vì vậy có thể nói cây mẹ cho chúng ta tất cả," Mickael Mello, nhân viên quản lý vườn ươm cây trồng của Symbiosis cho biết.
Symbiosis là một trong ba khoản đầu tư thuộc Quỹ Phục Hồi của Apple, được công bố vào năm 2021 với mục tiêu mở rộng quy mô các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hợp tác với Goldman Sachs và Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, Quỹ Phục Hồi đã đầu tư vào ba dự án loại bỏ carbon trên khắp Brazil và Paraguay nhằm mục đích mang lại lợi ích to lớn hơn cả mục tiêu loại bỏ carbon, từ củng cố các sinh kế địa phương cho đến tăng cường đa dạng sinh học.
Từ trái qua phải: (1) Fabiane Souza M. Delmira lãnh đạo đội ngũ vườn ươm cây trồng và giám sát việc bảo quản hạt giống tại Symbiosis. Hãy lắng nghe bà trình bày về tầm quan trọng của việc sử dụng hạt giống từ cây mẹ để tạo nên cây con. (2) Trong ngân hàng hạt giống của Symbiosis, các kệ gồm những hộp chứa hàng trăm nghìn hạt giống chất lượng cao từ những cây có khả năng chống chịu cao nhất trên đất của công ty trong Rừng Đại Tây Dương.
Từ trên xuống dưới: (1) Fabiane Souza M. Delmira lãnh đạo đội ngũ vườn ươm cây trồng và giám sát việc bảo quản hạt giống tại Symbiosis. Hãy lắng nghe bà trình bày về tầm quan trọng của việc sử dụng hạt giống từ cây mẹ để tạo nên cây con. (2) Trong ngân hàng hạt giống của Symbiosis, các kệ gồm những hộp chứa hàng trăm nghìn hạt giống chất lượng cao từ những cây có khả năng chống chịu cao nhất trên đất của công ty trong Rừng Đại Tây Dương.
Kể từ lần trồng cây đầu tiên của công ty này, gồm có 160 loài khác nhau trải dài khắp khu vực sẽ được bảo vệ vĩnh viễn khỏi nạn khai thác gỗ, Symbiosis đã mở rộng quy mô sang phục hồi các cây bản địa đang bị đe dọa. Với nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng mất đa dạng sinh học, Symbiosis cam kết bảo tồn 40% đất của công ty bằng cách trồng rừng đa loài, tự nhiên, đồng thời phần đất còn lại cung cấp gỗ cứng nhiệt đới giá trị từ các nguồn được quản lý có trách nhiệm. Sau khi trồng 800 hecta rừng đa dạng sinh học trong hơn một thập kỷ qua, công ty này đặt mục tiêu trồng hơn 1 triệu cây con trên 1.000 hecta chỉ riêng trong năm 2024.
“Cây mọc thành từng nhóm, giống như một mạng lưới," Mariani nói. "Chúng có bản chất là sinh vật xã hội và muốn tương trợ lẫn nhau. Đối với các loài khác nhau, rễ cây cắm vào đất ở những độ sâu khác nhau để tránh cạnh tranh, điều đó cho thấy chúng đang hợp tác.”
Rừng Đại Tây Dương nằm dọc theo bờ biển phía đông Nam Mỹ, bắt đầu ở phía đông bắc Brazil và kéo sâu vào đất liền cho đến đông nam Paraguay và bắc Argentina. Khu rừng chỉ rộng 40 dặm ở điểm cực bắc và kéo dài khoảng 200 dặm vào đất liền từ đường bờ biển phía nam Đại Tây Dương. Sau hơn 500 năm rừng bị tàn phá, diện tích rừng mưa nhiệt đới đã bị phá hủy 80%, trong đó địa hình đã bị khai thác làm đất nông nghiệp để trồng cà phê, ca cao, mía và các loại cây trồng khác, và đồng cỏ để chăn nuôi gia súc. Phần lớn của rừng nhiệt đới đã cạn kiệt các loại gỗ cứng có giá trị cao, bao gồm gỗ brazilwood và gỗ hồng mộc Brazil được khai thác để dùng làm đồ nội thất, xây dựng và thậm chí nhạc cụ như ghi-ta. Ngày nay, hoạt động tương tự đang được tiến hành ở khu vực Amazon.
Rừng Đại Tây Dương tại Brazil nhìn từ trên không.
Năm nay, Symbiosis đặt mục tiêu tạo nên 1 triệu cây con nhằm thực hiện một phần trong kế hoạch duy trì một khu rừng khai thác không ngừng phủ xanh và được quản lý bền vững.
Ước tính cho thấy Rừng Đại Tây Dương có một khu vực có tiềm năng phục hồi rừng với diện tích khoảng 40 triệu hecta, tương đương 100 triệu mẫu. Phương pháp tiếp cận của Symbiosis trong lâm nghiệp hướng đến việc tạo ra một khu rừng khai thác bền vững chất lượng cao, trong khi vẫn tiếp tục cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bằng một trong những công cụ quan trọng nhất đối với cô lập carbon: thiên nhiên. “Chúng tôi đang cân bằng giữa việc sản xuất gỗ và lưu trữ carbon,” Alan Batista, giám đốc tài chính của Symbiosis, người nghiên cứu về lâm nghiệp và có sự nghiệp trải dài từ nhân giống cây trồng trong ngành công nghiệp giấy và bột giấy, chiến lược kinh doanh, kinh tế học đến tài chính, giải thích.
“Nhiên liệu sinh khối từ gỗ thực sự sản sinh ra nhiều carbon được lưu trữ tại đây, và chúng tôi biết rằng mình cũng có nhiều carbon lưu trữ trong thổ nhưỡng," Batista cho biết. "Vì vậy, khi nói về thu hoạch, chúng tôi phải nghĩ mọi cách từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc chu trình này. Phương pháp quản lý mà chúng tôi đang áp dụng ở đây là liên tục phủ xanh rừng. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ quản lý rừng một cách vĩnh viễn. Đất sẽ luôn luôn được phủ xanh với rừng rậm.”
Alan Batista đang cầm một cây giống và đứng trong nhà kính.
Sau khi lấy bằng để trở thành kỹ sư lâm nghiệp, CFO của Symbiosis, Alan Batista dành những năm đầu trong ngành công nghiệp giấy và bột giấy, nâng cao các kỹ năng kỹ thuật trong nhân giống cây trồng và sinh sản vô tính trước khi ra nước ngoài học thạc sĩ. Trong thời gian du học, ông ngày càng quan tâm đến các hình thức mới của lâm sinh với các loài bản địa.
Từ trái qua phải: (1) Mickael Bandeira de Mello, nhân viên quản lý vườn ươm cây trồng tại Symbiosis, được giao nhiệm vụ giúp gia tăng quy mô trồng cây từ 800 hecta trong hơn 10 năm lên 1.000 hecta trong vòng 1 năm. (2) Kỹ sư lâm nghiệp Victor Leon Rocha Araújo phân tích năng suất của các địa điểm trồng cây trước đây của Symbiosis, từ chất lượng thổ nhưỡng cho đến sức khỏe cây, để xác định kế hoạch cho các địa điểm trồng cây trong tương lai.
Từ trên xuống dưới: (1) Mickael Bandeira de Mello, nhân viên quản lý vườn ươm cây trồng tại Symbiosis, được giao nhiệm vụ giúp gia tăng quy mô trồng cây từ 800 hecta trong hơn 10 năm lên 1.000 hecta trong vòng 1 năm. (2) Kỹ sư lâm nghiệp Victor Leon Rocha Araújo phân tích năng suất của các địa điểm trồng cây trước đây của Symbiosis, từ chất lượng thổ nhưỡng cho đến sức khỏe cây, để xác định kế hoạch cho các địa điểm trồng cây trong tương lai.
Để tính lượng carbon lưu trữ trong đất tại đó, Symbiosis đã tích hợp dữ liệu vệ tinh của Space Intelligence, kiến thức sinh thái học và mô hình máy học để lập bản đồ carbon rừng, độ che phủ đất và thay đổi độ che phủ đất. Dữ liệu vệ tinh được tích hợp với các số liệu từ ứng dụng ForestScanner, áp dụng phương pháp đo đạc tại hiện trường cùng với LiDAR Scanner trên iPhone để xác định độ tuổi và tỷ lệ tăng trưởng. “Các dữ liệu này giúp chúng tôi kiểm tra những đặc tính và việc sử dụng đất như: diện tích đồng cỏ, diện tích rừng và tình trạng phá rừng diễn ra vào một thời điểm trong quá khứ,” Batista giải thích.
Một phần trong quá trình kiểm tra là xác định các khu vực được chỉ định là đất thuộc về cộng đồng Bản Địa, những người mà Symbiosis hy vọng sẽ sớm hợp tác để xác định và thu thập hạt giống từ cây mẹ trên đất của họ. Sau khi đến thăm Rừng Amazon hồi năm 2007 để xem cách một cộng đồng Bản Địa trồng lại rừng cho một khu vực đã bị những người khai thác gỗ tàn phá dọc biên giới Peru, Mariani đã được truyền cảm hứng.
“Các nhà lãnh đạo đã trao đổi với tôi về biến đổi khí hậu và họ đưa tôi đến nơi mà họ đã tái trồng rừng, nơi đó trông giống như một khu rừng nguyên sinh,” Mariani nhớ lại. “Tôi như được truyền cảm hứng nhìn thấy sức mạnh phục hồi của thiên nhiên và cách kết hợp giữa kiến thức truyền thống với khoa học.”
Nhân viên Symbiosis đang cầm iPhone thu thập dữ liệu bằng LiDAR Scanner và ứng dụng ForestScanner.
Symbiosis làm việc với Space Intelligence, công ty dữ liệu hình ảnh từ vệ tinh để đo lượng carbon lưu trữ trong rừng của Symbiosis, ghi lại dữ liệu liên quan chẳng hạn như các loài cây, và lưu trữ dữ liệu để phân tích sâu hơn và lập kế hoạch cho tương lai.
Căn cứ vào bản đồ 3D được tạo ra bằng LiDAR Scanner và ứng dụng ForestScanner trên iPhone, Space Intelligence cung cấp dữ liệu về tăng trưởng cây, được đo bằng đường kính ở độ cao ngang ngực.
Cách Trancoso hơn 1.600 dặm về phía tây nam, một dự án Quỹ Phục Hồi khác được tiến hành tại Forestal Apepu trong quận San Pedro, Paraguay.
Trong khu vực tây nam của Rừng Đại Tây Dương này, Forestal Apepu đang gia tăng các cánh rừng bạch đàn phát triển nhanh chóng để sản xuất gỗ chất lượng cao trên các vùng đất rừng đã bị tàn phá cách đây hàng thập kỷ, đồng thời bảo vệ rừng tự nhiên còn lại và trồng các loài bản địa thông qua các thử nghiệm thực nghiệm. Bằng cách tập trung vào gỗ chất lượng cao được quản lý trong các chu trình phát triển dài hơn, Forestal Apepu có thể loại bỏ nhiều carbon hơn và lưu trữ dài hạn hơn trong đất rừng nơi đây. Họ cũng hy vọng sản phẩm gỗ nguyên khối được sản xuất từ gỗ chất lượng cao sẽ giảm bớt áp lực lên rừng tự nhiên, từ đó giúp carbon được lưu trữ trong các sản phẩm gỗ có tuổi thọ cao ngay cả sau khi cây bị chặt.
Phần quan trọng trong công tác của Forestal Apepu vượt lên trên cả rừng: Dự án cũng hỗ trợ các cộng đồng địa phương thông qua một loạt các sáng kiến về tác động xã hội xung quanh khu vực lân cận San Estanislao, Paraguay.
Khu vực không giáp biển này đã phụ thuộc vào rừng để sản xuất gỗ, củi và đáp ứng nhu cầu nông nghiệp trong nhiều thế hệ. Như một phần trong Quỹ Phục Hồi của Apple, Forestal Apepu đang làm việc với các cộng đồng địa phương để xác định các nguồn thu nhập bổ sung thay thế nhằm làm giảm bớt áp lực lên các khu rừng lấy gỗ trong khu vực. Các nguồn này bao gồm làm việc trong trang trại bạch đàn được Hội Đồng Quản Trị Rừng Quốc Tế chứng nhận của công ty, cho thuê đất thông qua mô hình canh tác theo hợp đồng (trong đó chủ sở hữu đất quy mô nhỏ được cung cấp cây con và hỗ trợ kỹ thuật để trồng và quản lý cây lấy gỗ), nuôi gà thông qua hội phụ nữ địa phương và trồng trà yerba mate.
Graciela Gimenez đã sinh sống tại Cururu’o, một cộng đồng nhỏ khoảng 1.200 người trong 40 năm. Mỗi buổi sáng, cô ấy thức dậy lúc 5:00 giờ sáng để bắt đầu công việc hằng ngày: cho gà ăn và thay nước uống cho gà, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho gia đình và đáp ứng bất kỳ yêu cầu phát sinh nào trong hội phụ nữ mà cô đã thành lập và làm chủ tịch.
“Tôi luôn luôn có mặt trong cộng đồng,” Gimenez nói. “Họ thích việc tôi có sức mạnh để thực hiện mọi thứ."
Sau nhiều cuộc họp với Gladys Nuñez, chuyên viên gắn kết xã hội của Forestal Apepu, Gimenez và nhiều phụ nữ trong cộng đồng phối hợp với nhau để phát triển nguồn thu nhập từ việc nuôi gà. Trước đây, các hộ gia đình có thu nhập không ổn định, chủ yếu từ việc lao động ban ngày trên mảnh đất gần đó. Sau khi Forestal Apepu bổ sung 21 con gà cho chuồng gà của Gimenez vào năm 2023, nay cô ấy đã gầy dựng được bầy gà gồm 51 con cung cấp trứng và thịt để gia đình ăn và bán.
“Chúng tôi phải quan tâm đến người dân trong khu vực của mình, những người là đồng minh của chúng tôi,” Nuñez nói. “Tất cả những người trong cộng đồng này đang làm việc với Apepu, kể cả tôi, mỗi ngày chúng tôi đều học hỏi về quản lý rừng, như sức khỏe và an toàn về thuốc trừ sâu hoặc cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên tốt hơn. Việc học hỏi của toàn thể cộng đồng sẽ giúp ích cho môi trường.”
Ramon Mariotti cầm một tách trà yerba mate khi đang ngồi bên hiên nhà cùng một người bạn.
Năm 1962, Ramon Mariotti (bên phải) và gia đình đã rời vùng Chaco ở Paraguay để đến Palomita I, nơi họ lập tức nhận ra thổ nhưỡng màu mỡ của quê hương mới. Cha của Mariotti bắt đầu trồng cây trà yerba mate, dạy Mariotti những công đoạn phức tạp khi thu hoạch cây trồng mà nhiều người Paraguay dùng để giải khát.
Ramon Mariotti, lãnh đạo cộng đồng Palomita I đã sinh sống tại khu vực này vào năm 1962 sau đợt hạn hán và tàn phá ở vùng Chaco, đã trồng cây trà yerba maye trong khu vực, một loại trà thảo mộc mà đối với nhiều người Paraguay là thức uống duy nhất để giải khát. Cha của Mariotti đã dạy ông chi tiết về quá trình trồng trọt, bao gồm việc biết thời điểm lá trà có thể hái, phải hái lá bằng tay một cách công phu như thế nào, cách phơi khô và xay trà ra sao và cách xác định trà nào đủ tiêu chuẩn để bán.
“Kể từ khi đến đây, chúng tôi nhận ra đất đai ở đây màu mỡ biết bao,” Mariottie nói. “Giống như có một siêu thị tự nhiên quanh chúng tôi: Chúng tôi có thể trồng bất kỳ cây gì.”
Từ trái qua phải: (1) Alvaro Ramirez là kỹ sư lâm nghiệp cấp cao và CTO của Forestal Apepu, phụ trách tất cả các hoạt động trên mặt đất trực tiếp tại địa điểm. (2) Kỹ sư lâm nghiệp Belén Osario làm việc với Ramirez và chịu trách nhiệm duy trì nhiều mảnh đất trồng cây lấy gỗ khá nhau trực tiếp tại địa điểm.
Từ trên xuống dưới: (1) Alvaro Ramirez là kỹ sư lâm nghiệp cấp cao và CTO của Forestal Apepu, phụ trách tất cả các hoạt động trên mặt đất trực tiếp tại địa điểm. (2) Kỹ sư lâm nghiệp Belén Osario làm việc với Ramirez và chịu trách nhiệm duy trì nhiều mảnh đất trồng cây lấy gỗ khá nhau trực tiếp tại địa điểm.
Để giúp mở rộng mùa vụ, Mariotti đã hợp tác với Alberto Florentín đến từ Forestal Apepu để cải tiến quy trình trồng trọt, bao gồm biết thời điểm trồng trọt và khoảng cách giữa các cây trồng.
Florentín đã có 40 năm đi khắp Paraguay trong vai trò là kỹ sư lâm nghiệp, đầu tiên là với dịch vụ lâm nghiệp, sau đó với National Parks Center tại Museo Moisés Bertoni, một khu bảo tồn thiên nhiên, nơi ông đã tuyển dụng những nhân viên kiểm lâm từ cộng đồng Bản Địa mà ông đã gặp trong khu vực. Florentín ghi nhận những kiến thức mà ông thu thập được từ nhiều chuyến đi đến các vùng khác nhau ở Paraguay. Ông có thể tồn tại ở bất kỳ đầu trên đất nước này và giúp người khác phát triển hoàn toàn trên chính mảnh đất này.
“Tôi muốn đảm bảo người dân ở đây có thể nhìn những cây cối phát triển và chúng tôi không biến nơi này thành sa mạc cho các thế hệ tương lai,” Florentín nói. “Với biến đổi khí hậu, mọi thứ trở nên ngày càng khó khăn hơn, nguồn nước đang dần khan hiếm và những cây cối có thể mọc cũng khó tìm hơn. Vì vậy, tôi muốn đảm bảo rằng họ có tất cả các nguồn lực để tiếp tục trồng trọt.”
Cây cối trong Rừng Đại Tây Dương ở góc chụp ngang tầm mắt.
Ngoài các hoạt động trong rừng khai thác và tiếp cận cộng đồng của Forestal Apepu, công ty còn giới thiệu phương pháp theo dõi âm thanh sinh học tiên phong để ghi lại những cải tiến về đa dạng sinh học trên đất liền, do Sáng Kiến Khí Hậu Quốc Tế (International Climate Initiative) hỗ trợ thông qua dự án FLILA. Lắng nghe âm thanh của rừng, bao gồm tiếng chim địa phương, côn trùng và các loài động vật khác sinh sống trong khu vực này.
Ngoài các dự án cộng đồng, Forestal Apepu cũng đang tìm kiếm các phương pháp để theo dõi tình trạng sức khỏe của đất trong những khu vực có rừng bao phủ.
Một thí nghiệm theo dõi âm thanh sinh học đã ghi lại các âm thanh của rừng, giúp một nhóm các nhà sinh học đối tác khám phá mức độ đa dạng sinh học trong rừng bằng trí tuệ nhân tạo và máy học.
Khắp các địa điểm dự án của Forestal Apepu ở Paraguay và của Symbiosis ở Brazil, nỗ lực ghi lại, bảo tồn và phục hồi hệ thực vật và động vật trong mỗi vùng dường như không liên kết với nhau, nhưng khi nghiên cứu kỹ hơn thì các dự án này đều có các mục tiêu chung: đảm bảo khả năng phục hồi của những nơi tự nhiên nhất trên trái đất mà từ lâu đã được coi là điều hiển nhiên.
Khi Mariani của Symbiosis nhận ra khi lần đầu tiên ông ấy bắt đầu nghĩ về công ty của mình và cuối cùng xác lập được tên công ty: “Đây là sự hợp tác cùng có lợi giữa các loài khác nhau, trái ngược với ký sinh. Những gì tôi muốn làm là cộng sinh (cũng là tên công ty Symbiosis). Mỗi người đều có lợi.”
Chia sẻ bài viết

Media

  • Văn bản của bài viết này

  • Hình ảnh trong bài viết này

Liên Lạc Báo Chí

Apple Media Helpline

media_vietnam@apple.com