mở trong cửa số mới
Tristram Ingham sử dụng iPhone trong chương trình “Mất Giọng Nói”.
Nhà hoạt động đấu tranh vì quyền lợi người khuyết tật Tristram Ingham tại trường quay chương trình “Mất Giọng Nói” của Apple.
Trợ năng 30 tháng 11 2023
Khi giới thiệu bản thân, Tristram Ingham thường cất lời chào bằng tiếng te reo Māori trước khi chuyển sang nói tiếng Anh. Người gốc New Zealand có giọng nói thân thiện, nhẹ nhàng và tự tin, họ rất thận trọng trong việc chọn lọc câu chữ khi trò chuyện. Trên cương vị của một bác sĩ, nhà nghiên cứu học thuật kiêm nhà lãnh đạo cộng đồng người khuyết tật, lời nói của Ingham chính là sức mạnh của ông.
Ingham mắc chứng loạn dưỡng cơ mặt, vai, cánh tay (FSHD), gây thoái hóa cơ tiến triển bắt đầu từ vùng mặt, vai và cánh tay, và cuối cùng có thể dẫn đến mất khả năng nói, không thể tự ăn, hoặc trong một số trường hợp là không thể chớp mắt. Ông bắt đầu sử dụng xe lăn vào năm 2013, và đến những năm gần đây, ông đã nhận thấy những thay đổi trong giọng nói của mình.
Ông chia sẻ: “Cứ đến cuối một ngày dài, tôi lại cảm thấy việc cất giọng nói lại khó khăn hơn một chút.” Ông cũng kể lại một lần trắc trở gần đây: “Mới tháng trước, tôi có lịch thuyết trình tại một hội nghị, nhưng đến ngày diễn ra sự kiện, tôi đã không thể trình bày được vì gặp vấn đề về hô hấp. Vì thế, dù đã soạn sẵn các nội dung nhưng tôi vẫn phải nhờ người khác thuyết trình thay mình.”
Có thể một ngày nào đó, Ingham sẽ không thể sử dụng giọng nói của mình nữa. “Với kinh nghiệm chuyên môn vốn có, tôi nhận thức rất rõ rằng bản thân sẽ ngày càng khó sử dụng giọng nói hơn trước. Tôi biết khi mình mệt mỏi hơn, tôi sẽ trở nên im lặng hơn, khó hiểu hơn”, ông lưu ý đến sự mâu thuẫn về nhận thức khi tình trạng bệnh ngày càng tiến triển. “Nhưng tôi chỉ là một người bình thường, nên tôi đã gạt điều đó ra khỏi tâm trí. Vì lo âu cách mấy cũng không giải quyết được gì đúng không nào?”
Mùa thu năm nay, Apple đã cho ra mắt tính năng Giọng Nói Cá Nhân mới, khả dụng trên iOS 17, iPadOS 17 và macOS Sonoma. Giọng Nói Cá Nhân giúp những người dùng có nguy cơ bị mất giọng nói có thể tạo ra giọng nói giống với giọng thật của mình. Điều cần làm chỉ là thực hiện theo chuỗi các lời nhắc dưới dạng văn bản để thu được đoạn âm thanh dài 15 phút. Từ lâu Apple đã dẫn đầu công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói qua các thuật toán mạng nơron. Với tính năng Giọng Nói Cá Nhân, Apple hoàn toàn có thể đào tạo mạng nơron trên thiết bị để cải thiện trợ năng cho giọng nói, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
“Cộng đồng người khuyết tật rất quan tâm đến những người đại diện cho mình,” Ingham cho biết. “Trong lịch sử, các nhà cung cấp dịch vụ hoặc gia đình của người khuyết tật sẽ lên tiếng thay họ. Nếu công nghệ có thể hỗ trợ cho việc bảo toàn và duy trì giọng nói thì đó là quyền tự chủ, đó là quyền tự quyết.”
Ingham đã tạo Giọng Nói Cá Nhân của mình cho chương trình “Mất Giọng Nói” của Apple. Ông đã dùng iPhone để đọc thành tiếng cuốn sách mới dành cho trẻ em có tựa giống với tên chương trình, được viết cho Ngày Quốc Tế Người Khuyết Tật. Vào lần đầu thử tính năng này, Ingham hết sức bất ngờ bởi cách thức thực hiện dễ dàng và giọng nói được tạo ra quá giống với giọng thật của ông.
“Thao tác thực sự đơn giản khiến tôi thấy khá nhẹ nhõm,” ông nhận xét về giọng nói phát ra từ iPhone: “Tôi thực sự hài lòng khi nghe bằng chính giọng của mình, với phong cách nói chuyện của mình, chứ không phải bằng giọng Mỹ, Úc hay Anh.”
Trên iPhone 15 Pro, tính năng Giọng Nói Cá Nhân hiển thị bên trái, với cụm từ được nhập trong Lời Nói Trực Tiếp hiển thị ở bên phải.
Nhờ tính năng Giọng Nói Cá Nhân và Lời Nói Trực Tiếp, người dùng có nguy cơ bị mất giọng nói có thể tạo ra giọng nói giống với giọng thật của mình và nhập nội dung họ muốn nói, cũng như nói thành lời cụm từ đó.
Lời Nói Trực Tiếp là một tính năng trợ năng khác cho giọng nói được Apple phát hành vào cuối năm nay. Tính năng này mang lại cho người dùng các tùy chọn nhập cho nội dung muốn nói và nói thành lời cụm từ đó, cho dù là bằng Giọng Nói Cá Nhân hay bất kỳ giọng nói hệ thống tích hợp nào. Người dùng có khuyết tật về thể chất, vận động và ngôn ngữ có thể giao tiếp theo cách giúp họ cảm thấy tự nhiên và thoải mái nhất. Điều đó có được khi kết hợp Lời Nói Trực Tiếp với các tính năng như Điều Khiển Công Tắc và AssistiveTouch, mang đến các lựa chọn thay thế cho việc tương tác với thiết bị của họ bằng phương thức chạm vật lý.
Blair Casey, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Phi Lợi nhuận Team Gleason cho biết: “Công nghệ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo toàn giọng nói tự nhiên của một người.” Tổ chức này hỗ trợ những người mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), một tình trạng tiến triển khác gây mất giọng nói cho 1 người trong mỗi 3 người được chẩn đoán. Casey cho biết: “Giọng nói là một phần nhận dạng của mỗi người chúng ta. Khi những căn bệnh như xơ cứng teo cơ một bên (ALS) đe dọa cướp đi khả năng nói, các công cụ như Giọng Nói Cá Nhân có thể giúp bất kỳ ai tiếp tục phát ra âm thanh chân thực, độc đáo của riêng mình.”
“Tại Apple, chúng tôi thiết kế ra những sản phẩm và dịch vụ mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng được, bao gồm cả người khuyết tật,” Sarah Herrlinger, Giám đốc Cấp cao của Bộ phận Sáng kiến và Chính sách Trợ năng Toàn cầu của Apple cho biết. “Giao tiếp là một phần không thể thiếu tạo nên con người chúng ta, và chúng tôi cam kết hỗ trợ những người dùng không nói được cũng như những người có nguy cơ bị mất giọng nói.”
Đối với Ingham, Giọng Nói Cá Nhân chỉ là một trong nhiều công cụ hỗ trợ ông tiếp tục làm những điều mình yêu thích.
Hiển thị trên iPhone, một cụm từ trong Lời Nói Trực Tiếp đang phát Giọng Nói Cá Nhân của Tristram Ingham.
Trong chương trình “Mất Giọng Nói,” nhà hoạt động đấu tranh vì quyền lợi người khuyết tật Tristram Ingham sử dụng các tính năng trợ năng mới cho giọng nói của Apple, bao gồm Lời Nói Trực Tiếp (trong ảnh) để đọc thành tiếng câu chuyện trước khi đi ngủ bằng Giọng Nói Cá Nhân độc đáo của mình.
“Tôi chưa sẵn sàng để chỉ ngồi ở nhà,” Ingham chia sẻ. “Tôi làm việc, làm tình nguyện trong cộng đồng và mong muốn đem lại những cống hiến có giá trị. Công nghệ giúp tôi làm được điều đó.”
Thành tựu chuyên môn của Ingham bao gồm công lao đưa ra khái niệm dịch tễ học phổ biến về bong bóng COVID. Ông lần đầu tiên đề xuất về khái niệm này như một cách để bảo vệ người bị khuyết tật và người có hệ thống miễn dịch yếu trong giai đoạn đầu của đại dịch. Ông cũng đảm nhận vị trí Chủ tịch Cơ quan Đại diện Quốc gia cho người khuyết tật Māori kiêm cố vấn cho Bộ Y tế New Zealand, bên cạnh vai trò chính là nghiên cứu viên cao cấp tại Khoa Y Đại học Otago, Wellington.
Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất là giữ được mối liên hệ cá nhân với bạn bè và gia đình, bất kể tình trạng giọng nói của ông ra sao.
“Tôi có ba đứa cháu,” ông chia sẻ. “Tôi thích đọc truyện cho bọn trẻ nghe trước khi chúng ngủ. Bọn trẻ đến ở lại qua đêm khá thường xuyên và chúng thích những câu chuyện về sinh vật biển, sóng thần và những thứ tương tự. Và tôi chỉ muốn có thể đảm bảo rằng sau này mình có thể tiếp tục đọc truyện cho chúng nghe.”
Ông tiếp tục chia sẻ: “Bạn không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra, và khi bạn có được một thứ vô cùng quý giá, taonga – một kho báu – tôi cho rằng chúng ta nên làm mọi điều có thể để chắc chắn giữ lại được thứ đó.”
Chia sẻ bài viết

Media

  • Văn bản của bài viết này

  • Hình ảnh trong bài viết này

Liên Lạc Báo Chí

Apple Media Helpline

media_vietnam@apple.com