apple stories
AssistiveWare mở đường cho công nghệ hỗ trợ giao tiếp thay thế và tăng cường thế hệ tiếp theo
Cách công ty phát triển ứng dụng AssistiveWare đổi mới phần mềm hỗ trợ giao tiếp tăng cường và thay thế
Mỗi buổi chiều, cậu bé Jay 9 tuổi đều cùng mẹ là bà Meghan Ashburn và cậu em song sinh Nick đến Virginia Beach để giải trí sau cả ngày học tập ở trường, hoạt động ở nhà và bên ngoài.
Khi Ashburn hỏi tại sao Jay lại thích biển, cậu bé nhấn nút “hoàng hôn” rồi nói: “Không thích trường. Thích biển.”
Năm 2015, Jay được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ. Vào lúc 4 tuổi, cậu bé đã bắt đầu sử dụng Proloquo2Go, đây là ứng dụng hỗ trợ giao tiếp tăng cường và thay thế (AAC) do công ty phát triển AssistiveWare phát hành, ứng dụng này khả dụng trên iPhone và iPad.
Bà Ashburn chia sẻ: “Biển luôn là nơi Jay có thể thư giãn và khám phá thế giới của mình. Gia đình chúng tôi luôn tới đây khi điều kiện thời tiết phù hợp. Jay thích cát, sóng biển và ánh hoàng hôn rực rỡ.”
Ứng dụng Proloquo2Go thể hiện sứ mệnh của AssistiveWare: đưa AAC trở thành phương thức giao tiếp hiệu quả và được chấp nhận. Nhiều người đã sử dụng những công cụ này khi họ không thể giao tiếp bằng lời nói, bao gồm cả những người mắc hội chứng ALS, bại não, tự kỷ và nhiều hội chứng khác.
Việc trang bị công nghệ này cho thiết bị của Apple đã thể hiện bước tiến đáng kể đối với những người dùng AAC và với cả David Niemeijer, nhà sáng lập kiêm CEO của AssistiveWare. Khi hỗ trợ công nghệ AAC trên các thiết bị của người tiêu dùng, số lượng những người có khả năng chi trả và sử dụng công nghệ này đã tăng rất nhanh. Điều này cũng giúp AssistiveWare phát triển nhanh chóng.
Niemeijer chia sẻ: “Một trong những điều tuyệt vời nhất về iPad và iPhone là chúng không phải là những thiết bị riêng biệt. Những người khác cũng sử dụng các thiết bị tuyệt vời này và tạo ra sự khác biệt đáng kể về khả năng được chấp nhận. Nhưng chúng tôi vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều.”
Thế hệ tiếp theo của các ứng dụng AAC của AssistiveWare, Proloquo và Proloquo Coach được phát hành vào năm 2022. Ngoài khả năng hỗ trợ giao tiếp, Proloquo còn hỗ trợ người dùng ghép các cụm từ hoặc câu, học các từ liên quan và mở rộng khả năng sử dụng ngôn ngữ cũng như ngữ pháp. Proloquo Coach cung cấp công cụ để gia đình và giáo viên hỗ trợ con em mình và học sinh trong quá trình học tập.
Ứng dụng Proloquo nổi bật với 12.000 từ vựng và 49 giọng đọc của trẻ em và người lớn – nhiều hơn gấp khoảng 3 lần so với các ứng dụng AAC khác. Các ứng dụng của AssistiveWare cũng hỗ trợ tính năng VoiceOver và Điều Khiển Công Tắc dành cho người dùng khiếm thị hoặc có thị lực kém, hoặc hạn chế khả năng vận động.
Đối với người dùng AAC, Niemeijer tin rằng việc tìm ra trải nghiệm có thể tùy chỉnh là một bước quan trọng. Các tính năng trợ năng mới của Apple – được hé lộ trong tuần này – bao gồm tính năng Truy Cập Hỗ Trợ dành cho những người khiếm khuyết về nhận thức, và tính năng Giọng Nói Cá Nhân dành cho những người bị mất khả năng nói, mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người dùng để điều chỉnh trải nghiệm theo nhu cầu của họ.
Niemeijer cho biết: “Chúng tôi rất hào hứng với việc tích hợp những tính năng mới này vào các ứng dụng của AssistiveWare,” Niemeijer cho biết. “Gần đây chúng tôi đã phát hành phiên bản hỗ trợ giọng nói tích hợp sẵn của iOS vào ứng dụng Proloquo, nhờ vậy, người dùng sẽ có nhiều lựa chọn về giọng nói hơn. Việc ra mắt tính năng Giọng Nói Cá Nhân có thể mang lại cho người dùng của chúng tôi nhiều tùy chọn hơn để họ cá nhân hóa cách thức giao tiếp. Khi kết hợp tính năng này với các tính năng như Truy Cập Hỗ Trợ sẽ làm phong phú thêm các cơ hội vốn có để chúng tôi điều chỉnh trải nghiệm người dùng, đồng thời cho phép người dùng tinh chỉnh các ứng dụng của chúng tôi theo sở thích và nhu cầu của họ.”
Hiện nay, Jay sử dụng ứng dụng Proloquo và các phương thức giao tiếp khác để nói chuyện với gia đình, giáo viên và bạn bè. Trẻ em chiếm 80% số lượng người dùng ứng dụng Proloquo: Jay là một trong 100.000 người dùng ứng dụng hàng ngày và là một trong tổng số 300.000 người dùng trên toàn cầu.
“Nhận thức về AAC trong cộng đồng sẽ tăng trong vòng 5 năm tới”, bà Ashburn, cựu giáo viên tiểu học cho biết. Jay đang học lớp ba. “Đây là một vấn đề lớn, vì Jay không nói chuyện được và mọi người có xu hướng cô lập em ấy.” Các bạn học chung lớp ba với Jay cũng sử dụng ứng dụng Proloquo làm một trong những cách tương tác với em ấy.
Bà Ashburn tiếp tục chia sẻ: “Khả năng chia sẻ không giới hạn của Proloquo có lẽ là tính năng mà tôi yêu thích. Tôi có thể xây dựng một nhóm AAC cho Jay. Các giáo viên, gia đình, kể cả các bạn học của em ấy cũng có quyền truy cập vào ứng dụng Proloquo miễn phí trên các thiết bị cá nhân của họ. Tôi thậm chí không thể diễn tả được ứng dụng này có ích đến nhường nào. Ứng dụng này thực sự tạo ra một sự thay đổi lớn trong việc tận dụng công nghệ AAC.”
Jay hiện đang cải thiện khả năng nói. Em ấy dùng ứng dụng Proloquo để tập nói. Để học từ mới, em ấy nhấn đi nhấn lại các nút đến khi nào em ấy có thể tự mình nói được từ hay cụm từ đó. “Shut the door” là cụm từ bà Ashburn thường nghe thấy khi Jay bước vào độ tuổi dậy thì.
Bà Ashburn chia sẻ: “Nhiều tùy chọn trong AAC giới hạn số lượng từ vựng mà các em có thể chọn. Nhưng ứng dụng Proloquo lại có kho từ vựng lớn, nhờ vậy, Jay có thể chọn hầu như là bất kỳ từ nào em ấy muốn. Bàn phím tích hợp sẵn cũng mang lại vô vàn sự lựa chọn cho Jay.”
Quay lại Amsterdam, đội ngũ các nhà nghiên cứu, chuyên gia về AAC, nhà thiết kế, nhà phát triển và kỹ sư đảm bảo chất lượng của AssistiveWare – bao gồm cả 27 nhân viên tại địa phương và 35 nhân viên trên toàn thế giới – đã đổi mới công nghệ đằng sau sản phẩm và thúc đẩy công tác nghiên cứu cũng như sự ủng hộ cho công nghệ AAC. “Hầu hết các nghiên cứu trong lĩnh vực này đều xem xét sự thay đổi xảy ra khi can thiệp vào một cá nhân cụ thể,” Niemeijer giải thích. “Còn chúng tôi có dữ liệu ẩn danh được đồng thuận từ hàng chục nghìn người dùng AAC. Dữ liệu này không phổ biến. Chúng tôi đưa thông tin chuyên sâu trên quy mô lớn vào phòng nghiên cứu nhỏ, việc này tạo ra các cuộc trao đổi thú vị.”
Tính năng Truy Cập Được Hướng Dẫn của Apple, một cài đặt trợ năng được ra mắt từ một thập kỷ trước để giới hạn các thiết bị vào một ứng dụng, đã được cải thiện đáng kể về tiềm năng của ứng dụng. Niemeijer cho biết: “Trước đó, một trong những thách thức mà gia đình và trường học phải đối mặt đó là các em bắt đầu sử dụng ứng dụng tương tác, nhưng các em sẽ thoát ra và truy cập vào một ứng dụng khác. Với tính năng Truy Cập Được Hướng Dẫn, các em sẽ luôn tập trung vào hoạt động học tập và tương tác.”
Phát triển để hệ sinh thái Apple nắm giữ một lợi thế quan trọng khác: Apple duy trì dịch vụ hỗ trợ phần mềm trong nhiều năm, khiến dịch vụ này trở thành một khoản đầu tư đúng đắn cho gia đình và trường học.
“Dịch vụ này giúp chúng tôi có thời gian và không gian để tập trung vào sự đổi mới,” Niemeijer cho biết. “Nhờ đó, AssistiveWare sẽ không ngừng đổi mới và phát triển.”
Đối với thế hệ người dùng AAC tiếp theo, Niemeijer hy vọng rằng hình thức giao tiếp này sẽ được chấp nhận rộng rãi như hình thức nhắn tin. Hơn cả việc phát triển công nghệ, các định kiến xung quanh công nghệ AAC đại diện cho rào cản lớn nhất của người dùng.
Niemeijer chia sẻ “Tôi vẫn nghĩ là con đường chúng ta đi còn rất dài. Nếu bạn không nói được, người ta sẽ nghĩ có lẽ bạn không có nhiều điều cần nói. Đó chính là vấn đề lớn nhất. Tôi hy vọng sẽ thấy một bước chuyển về việc đánh giá cao công nghệ này để có thể mang lại sức ảnh hưởng lớn nhất đến mọi người."
Chia sẻ bài viết
Media
-
Văn bản của bài viết này
-
Hình ảnh trong bài viết này